hồng của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”.
Đúng vậy chăng, vì yêu một người mà ta thấy người ấy đẹp nhất,
tốt nhất trên đời. Cái đó gọi là tình yêu. Còn nếu điều gì hiển
nhiên quá thì đâu còn là vĩ đại nữa. Lại nhớ đến vài bộ phim đã xem,
vài cuốn tiểu thuyết đã đọc: Một quan ngự y triều đình được bao
phi tần của vua yêu dấu, cuối cùng chỉ yêu một người đàn bà độc
ác, tham vọng và coi anh ta như bàn đạp. Cuối cùng, khi nàng đưa
cho chàng ly rượu mà chàng biết rõ bên trong có thuốc độc, chàng
vẫn cầm lên và điềm tĩnh uống hết sạch. Lại một bộ phim đã đoạt
giải Oscar, chàng là cảnh sát và phải điều tra những vụ án mạng liên
quan đến một nữ nhà văn trinh thám bệnh hoạn luôn có sở thích
giết chết người tình sau những cuộc mây mưa, và cảnh cuối, họ đã
làm tình với con dao quen thuộc của nàng để dưới đệm. Xem xong
phim, thẫn thờ bảo như thế mới là tình yêu, biết người yêu là ác
quỷ, biết yêu xong sẽ chết mà vẫn cứ đâm đầu vào yêu. Rồi lại tự
bảo, ấy là tiểu thuyết, là phim ảnh, tin làm gì, người thật đâu có nhẽ
thế. Những bộ phim, những tiểu thuyết theo mô típ ấy thu hút
không biết bao nhiêu khán giả, độc giả. Người ta biết là bịa mà vẫn
cứ muốn xem, biết là ảo mà vẫn cứ ao ước. Có mỗi một mô típ đơn
điệu mà người Tàu, người Nhật, người Mỹ, người Anh… cứ xào đi xáo
lại mãi vẫn cứ bán được vé kín rạp. Phim “lú vì tình” như thế thì
thích xem, sao người thật “lú vì tình” thì lại đi ghét bỏ, đi bôi xấu họ.
Nhìn người “lú tình” dù trẻ hay già lại cứ thấy kỳ khôi, ái ngại.
Trưa nay đẹp ngày tôi đi dự một đám cưới, gặp một chàng phóng
viên quen biết đã lâu ngồi cùng bàn. Bằng tuổi tôi mà trông chàng
hom hem như lão 70. Chàng thanh minh rằng tại làm báo ngày nên
hôm nào cũng phải thức đêm rạc người. Chàng kể chuyện chú rể ngày
xưa là bạn học cùng lớp, tính nết dại dột, yêu khổ yêu sở một cô gái,
yêu khốn yêu đốn một bóng hồng, rồi kết luận “Yêu đương bây
giờ ngại lắm, chả dại mà đâm đầu vào, lại cứ phải chăm bẵm chúng
nó, hầu chúng nó, mất công mất việc”. Tôi nghe câu này cũng