sung sướng chừng nào khi người phụ nữ kết thúc cuộc vật lộn với tử
thần để nhìn thấy đứa trẻ xinh đẹp chui ra từ trong lòng mình và
mở to đôi mắt đầy ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nhìn thấy
mẹ. Người mẹ thân thiết với đứa con từ cả chín tháng trước khi được
gặp mặt nó, còn bố đến lúc gặp con lần đầu tiên mới làm quen từ
đầu. Thế nên dân gian mới có chuyện: Một ông bố bị vợ sai đi mua
kẹo về cho con. Giữa đường về nhìn gói kẹo thèm quá anh ta không
biết làm thế nào mới nói to lên một mình “Con mình là con vợ
mình. Vợ mình là con người ta. Suy đi tính lại chẳng bà con chi”. Nói
xong yên tâm chén sạch gói kẹo.
Lúc người ta gặp bất hạnh đến muốn tự tử hay sung sướng
đến phát điên, chẳng ai hét to “Bố ơi”. Một cô bạn đồng nghiệp
của tôi kể lại rằng ông bố hơn 80 tuổi của cô trong phút lâm chung
còn thều thào “Mẹ ơi, cho con đi theo với”.
Ấy là chưa kể đàn ông còn đeo thêm vô số nỗi khổ nữa. Nghĩa là
khổ so với phụ nữ, vì chúng ta chỉ có mỗi hai phạm trù để so sánh.
1. Đàn ông luôn mang nặng áp lực rằng thì là làm sao phải hơn
phụ nữ một cái đầu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Phụ nữ thì
chẳng việc gì phải thế. Tôi từng biết một cô gái chân dài tới mét
mốt, nói ngọng âm l với âm n, còn vài tháng nữa sẽ tốt nghiệp lớp
12 nhưng cô đột nhiên dừng lại không muốn tốt nghiệp nữa. Cô chỉ
có thể nấu ăn ngon hai món luộc duy nhất, nhưng vẫn tự tin đi lại
trước hàng triệu người trên sân khấu lớn. Và rất nhiều đàn ông
giàu có, tri thức muốn cưới cô về làm vợ. Phụ nữ dốt tí chả sao. Ai
nói gì không hiểu, hơi ngơ ngác còn thành ra phong cách ngây thơ,
càng đáng quý, đàn ông càng yên tâm. Nhưng đàn ông mà ngồi đối
diện với phụ nữ, cô ta kể chuyện tiếu lâm xong một tiếng sau mới
cười thì lúc ra về thế nào anh ta cũng phải khóc.