hồi tháng 8/2011 về bình đẳng giới ở Viện Goethe, rất nhiều chị
có mặt chia sẻ về nỗi khó khăn khi phải nịnh, phải thuyết phục
chồng cho phép đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Có chị kể chuyện bạn mình
muốn đi học tiến sĩ thì trong thời gian làm luận án tiến sĩ tối nào
cũng phải… ru chồng ngủ rồi mới dám ngồi vào máy tính làm việc
và rất nhiều câu chuyện ly kỳ khác liên quan đến việc phụ nữ làm
tiến sĩ. Thậm chí có người còn đưa ra “ranh ngôn” được sáng tác bởi
các đấng mày râu “Trên đời chỉ có ba loại người. Loại người thứ
nhất là đàn ông, thứ hai là đàn bà, và thứ ba là phụ nữ làm tiến sĩ”.
(Tôi thì trước đó mới chỉ được nghe câu đố: Vừa già vừa xấu/ Suốt
ngày xào nấu/ Đố là con gì? – Là con cao học). Hôm ấy tôi cũng
phát biểu vài câu, sau đó nhà văn Nguyễn Bắc Sơn có mặt ở đó phát
biểu nối tiếp “Di Li ơi, cháu nói 99% đàn ông không muốn phụ nữ
làm tiến sĩ là không phải đâu. Mà là 100% đấy.”
Trong khi tôi chưa thấy một ông chồng nào muốn đi học, đi du
lịch, đi công tác, đi dự tiệc… lại phải băn khoăn, day dứt về việc xin
phép vợ. Họ cứ muốn là họ làm thôi, còn việc hỏi ý kiến vợ chỉ
mang tính chất thông báo. Ngược lại, hồi còn học ở lớp tiếng Ý, có
một cô bạn học cùng lớp cho biết cô ấy đi học không phải vì thích
tiếng Ý mà vì chồng cô ấy muốn thế và cô đi học tiếng Ý để…
cho chồng vui. Nhiều phụ nữ nhầm lẫn việc ông chồng cứ nộp đủ
tiền lương hàng tháng để mặc vợ chi tiêu, muốn mua gì thì mua tùy
ý gọi là quyền tự quyết và kiêu hãnh nói rằng trong gia đình họ
muốn làm gì thì làm nấy.
Tôi nghe thấy nhiều lần, các ông chồng hay nói với tôi rằng
họ sẽ không bao giờ cho phép vợ đi ra nước ngoài một mình, dù là
ngắn ngày. (Người phát biểu câu này là cán bộ cấp cao của một tổ
chức phi chính phủ nước ngoài, nói tiếng Anh như gió và đi nước
ngoài như đi chợ, còn những người có đồng quan điểm như thế
cũng là các doanh nhân liên tục phải đi công tác hoặc du lịch nước