gì, chứ đi học thì chán lắm. Mối quan tâm lớn nhất của cô ấy chỉ
là gia đình.
Balzac đã từng đúc kết: “Rung cảm, yêu, chịu đau khổ, hy sinh:
Những chữ này mãi mãi dệt nên trang đời người phụ nữ.” Không biết
lời của đại văn hào là nhận xét hay khuyến khích. Tôi vẫn chia việc
hy sinh ra làm hai dạng: Hy sinh vô điều kiện và hy sinh có điều
kiện. Hy sinh vô điều kiện là giống như… các chiến sĩ cách mạng.
Họ đấu tranh cho Tổ quốc không phải là để sau khi hy sinh sẽ được
nhận tấm bia “Tổ quốc đời đời ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ”.
Còn hy sinh có điều kiện là mong được nhận lại. Tôi thì thấy rất
nhiều phụ nữ ở dạng thứ hai này. Nhìn bề ngoài thì họ có vẻ như hy
sinh không cần gì hết nhưng trên thực tế, rất nhiều phụ nữ khi
về già, hoặc thậm chí từ lúc còn trẻ đã bắt đầu phàn nàn về việc
họ hy sinh cả đời cho chồng con nhưng rồi giờ đây họ chẳng được
gì. Một số người phàn nàn vì con cái đối xử với mình không như
mình mong muốn, trong khi mình đã hy sinh cả cuộc đời vì nó. Khổ
hơn là nếu có đức ông chồng nào đó đến tuổi xế chiều bắt đầu
phát sinh ra tính lãng mạn, hoặc phát sinh từ trẻ rồi mà người vợ
không biết (trường hợp này thì chúng ta gặp nhiều lắm), thì người
vợ khi đó ở ngưỡng năm mươi, sáu mươi tuổi - cảm thấy mình bất
lực vì tay trắng, mất hết cả nhan sắc, tuổi trẻ, nhìn lại sự nghiệp,
công danh thì chẳng có gì, vì cả tuổi xuân họ dành cho việc “hy sinh”
mất rồi. Họ cảm thấy bị bạc đãi. Và họ tiếc đời. Nếu họ bằng
lòng hy sinh vô điều kiện vì hy sinh là niềm vui sống của họ thì tại
sao lại phải đòi hỏi đền đáp lại.
Sự hy sinh của người phụ nữ về cơ bản bị chi phối bởi ba yếu
tố: Quan niệm truyền thống, giáo dục và cái tôi cá nhân. Cái quan
niệm truyền thống nó nặng nề lắm, khi mà từ bao đời nay chẳng
hiểu sao người ta cứ xây dựng một mẫu hình mang thương hiệu vẻ đẹp
của Phụ nữ Việt Nam với cụm từ bất di bất dịch “Vị tha, chịu đựng