không hoàn toàn quyến rũ nhất ở thế kỷ 21 này, mà dường như
những gì cô ta mang về để kể sau khi đi một vòng quanh thế giới
mới thực lắm thú vị. Tôi cũng không biết những cuốn sách du ký
của các tác giả nữ mang lại cho độc giả (chủ yếu là nữ, tôi đoán thế)
điều gì nhiều hơn sách của các tác giả nam? Họ nhìn thấy một
hình ảnh mà họ mong muốn nhưng chưa thực hiện được chăng? Hay
còn điều gì khác mà tôi chưa luận ra?
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, phụ nữ được thoải mái
tự cởi trói như thời nay. Các người mẫu, ca sĩ, diễn viên tự cởi quần
áo chụp hình trước bao con mắt nhiếp ảnh gia râu mày, giữa một
thiên nhiên bao la rộng lớn chẳng ngại ngùng gì ánh nhìn lén ở đâu
đó sau các bụi cây. Mà có sao đâu khi sau đó thế nào những bức ảnh
cũng được tải lên mạng. Các nữ họa sĩ đương đại hoặc là vẽ phóng đại
linh vật Yoni ra giữa triển lãm, hoặc là cởi sạch áo quần chỉ để lại
lông chim trên người trong một buổi trình diễn. Các nhà văn nữ cũng
cởi sạch áo quần của nhân vật trên trang giấy. Các nữ sinh viên bỏ
lại sách vở và trường đại học để đi phượt vòng quanh thế giới. Các nữ
doanh nhân, nữ chính trị gia lấn dần quyền lực tưởng chừng bất
biến của các đấng mày râu. Đối với phụ nữ thời nay, dường như
cuộc đời đã tươi đẹp hơn kể từ khi thực hiện được công cuộc “hiện đại
hoá” thoát khỏi sức kiềm toả 4000 năm của các loại bếp lò, bếp
củi, bếp dầu, bếp than tổ ong, bếp điện, bếp ga, bếp từ. Tôi vẫn
tin tưởng tuyệt đối ở triết lý “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”. Tôi
(chúng tôi) gặp may mắn, bởi lẽ nếu những cuốn du ký như “Đảo
thiên đường” ra mắt công chúng vào hai thập niên trước, số phận
của chúng đã không mang đậm màu hồng như khi được ấn hành
vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21.