đầu. Mặc dù tôi thấy rõ là anh ta có lý, tôi vẫn giữ quan điểm của mình và cố
gắng tìm cách bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng Khush nói, ‘Anh biết
không, Ajit, mục tiêu của tranh luận không phải là chiến thắng, mà là tiến
bộ. Anh hãy tự hỏi mình, chúng ta có phát triển thêm được hiểu biết gì sau
cuộc tranh luận không? Nếu câu trả lời là có, thì chúng ta đang tiến bộ.’”
2. Sở hữu quy trình
Người nào đứng ra trình bày về mục tiêu của mình là người làm chủ diễn
đàn. Jade Van Doren giải thích cơ chế hoạt động tại Billionaires’ Club:
“Chúng tôi để cho người đó miêu tả sự việc và tự nhìn nhận xem vấn đề nằm
ở đâu. Sau đó chúng tôi luân phiên đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm những sự
việc hay vấn đề có liên quan. Quá trình thẩm vấn này giúp cho chính thành
viên ban đầu có cơ hội nhìn nhận lại bản chất thật sự của sự việc. Thông
thường những gì họ nghĩ là vấn đề lại không hẳn như thế. Vì vậy một khi
mọi người đã cảm thấy họ hiểu sự việc thực sự, chúng tôi sẽ chuyển sang
một bước khác và mỗi người sẽ đưa ra lời khuyên của mình, có thể là bất cứ
nội dung gì; ví dụ như đề nghị một hành động, hay một đầu mối liên hệ có
tiềm năng, hay một quyển sách có liên quan. Cuối cùng, thành viên tóm tắt
lại sự việc cùng với những giải pháp đề nghị trong buổi trao đổi”. Sau đó,
mọi việc là tùy thuộc vào anh ta. Anh ta là người sở hữu thông tin đầu vào,
quá trình thực thi, và kết quả đầu ra.
3. Giới thiệu căn bản về phương pháp Socrates
Jade mới vừa miêu tả một phiên bản của phương pháp Socrates, trong đó,
thông qua thẩm vấn, những người tham gia cố gắng loại bỏ những mâu
thuẫn trong lập luận và mài bén tư duy của mình. Phương pháp này, đặt tên
theo nhà triết học Hy Lạp vĩ đại, được áp dụng rộng rãi trong trường luật và
tâm lý học trị liệu. Điểm nổi bật của phương pháp Socrates là nó đặt trọng
tâm vào quy trình; hiếm khi nào chỉ có một câu trả lời đúng.
Tôi sẽ đưa ra ví dụ minh họa cách hoạt động của nó. Trong phiên bản cổ
điển, người đối thoại với Socrates sẽ đưa ra một lập luận, ví dụ: “Chánh văn
phòng của chúng ta không có đủ việc để làm”.