Tôi có gì để cho đi?
Rất nhiều người muốn sống quảng đại nhưng lại không dám chắc mình có gì
để cho đi.
Nhưng thật ra chúng ta ai cũng có một cái gì đó để cho đi. Viktor Frankl,
nhà tâm lý học và thần kinh học người Áo đã qua đời, là một người sống sót
sau trại tập trung của Đức quốc xã, đã trình bày trong quyển sách kinh điển
của mình Man’s Search for Meaning, rằng ông đã từ chối suy nghĩ như một
nạn nhân, ngay cả sau khi ông bị chia lìa khỏi vợ và cha mẹ (cả ba người sau
đó đều mất trong trại tập trung). Điều này ông đạt được là nhờ những hành
động đơn giản liên tục thể hiện sự quảng đại. Nếu Frankl bắt gặp người nào
đói hơn ông, ông đều san sẻ phần bánh mì vốn đã ít ỏi. Trong suốt những
năm tù đày, ông đã bí mật tư vấn cho những người bạn tù nản lòng chỉ muốn
tự sát. Nhờ tìm đến với người khác, ông đã giữ vững được phẩm giá trong
giai đoạn cùng cực mà đa số chúng ta không thể tưởng tượng nổi.
Nếu quảng đại vẫn sống sót được trong trại tập trung, chắc chắn chúng ta có
thể áp dụng vào cuộc đời mình. Tất cả chúng ta đều có cái này hay cái khác
làm tiền tệ chia sẻ với mọi người.
Có rất nhiều dạng tiền tệ chuyên biệt, nhưng có hai dạng có thể áp dụng
rộng rãi và đầy uy lực, đó là tiền tệ tổng quát và tiền tệ cá nhân.
Tiền tệ tổng quát
Tiền tệ tổng quát muốn nói đến khả năng tự nhiên của con người có thể nối
kết với người khác, bất kể người đó là ai và ta là ai. Chúng ta đều có thể tạo
sự thân thiết với một người khác bằng cách lắng nghe, đồng cảm, và quan
tâm. Chúng ta ai cũng có thể đóng vai một người đồng nghiệp sẵn sàng dành
thời gian đi lấy tách cà phê hay kết nối sâu sắc hơn với khách hàng, nhân
viên, người đồng cấp. Sự nhạy cảm, duyên dáng, và khả năng kể chuyện
cười - chúng ta đều có chung một loại tiền tệ tổng quát để nuôi dưỡng và
chia sẻ.