khi những người khác trong phòng bắt đầu trình bày câu hỏi chủ đạo của họ,
tôi nhận thấy đa số những vấn đề này đều mang tính căn cơ và bám rễ - đối
với tất cả mọi người. Tôi cảm thấy mình bớt cô độc hơn.
Khi lắng nghe lời giảng của Tony, tôi nhận thấy những nhu cầu này không
còn là định mệnh chi phối mình nữa - tôi đã đạt thành công ở mức khá cao.
Tôi có thể trả tiền hóa đơn hàng tháng, và còn hơn thế nữa. Tôi cần phải tập
trung vượt qua cái mà tôi gọi là “tư duy thiếu hụt” và ngừng cố gắng chứng
minh bản thân trước mọi người. Nếu tôi làm được việc này sớm hơn trong
sự nghiệp, tôi có thể đã leo cao hơn và nhanh hơn.
Bước đột phá lớn nhất xảy ra đối với tôi khi tôi tự hỏi bản thân mình một
cách thẳng thắn: “Điều gì mang đến cho cuộc đời tôi thành công tột đỉnh và
sự thỏa mãn cao nhất?” Khi tôi nghĩ đến những khách hàng trung thành nhất
của mình - những người tôi đã phục vụ lâu nhất - tôi nhìn thấy rõ ràng đó là
những khách hàng tôi mang đến giá trị cao nhất. Thời khắc yêu thích của tôi
là gì? À, đó là khi tôi chậm lại một nhịp và làm cho ai đó đang ở quanh tôi
cảm thấy yêu công việc họ đang làm hơn, hay quý những tác động họ đang
tạo ra, hay hài lòng với những tiến bộ họ đạt được cho dự án. Đó là những
thời khắc tôi cảm thấy hài lòng nhất về bản thân mình - vẹn toàn và thành
công.
Đến khi buổi hội thảo kết thúc, tôi quyết định càng tập trung hơn vào nỗ lực
đóng góp vì người khác. Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng tinh thần quảng đại này
là cách giao tiếp với mọi người; thật sự, nó chính là tâm điểm của Đừng bao
giờ đi ăn một mình. Nhưng tôi nhận thấy mình cần phải vận dụng nó một
cách trọn vẹn hơn và mạnh mẽ hơn trong công việc cũng như trong đời sống
hàng ngày. Vâng, tôi đã bắt đầu cho đi theo nhiều cách khác nhau. Nhưng
tôi nhận thấy những đóng góp này cần phải là trung tâm của cuộc đời và
công việc của tôi.
Làm thế nào tôi đóng góp vì người khác mỗi ngày, trong mọi cuộc họp với
nhân viên, hay giao tiếp với khách hàng? Làm thế nào tôi sử dụng tài năng
của mình để phục vụ người khác?