Năm 1965, Gerstner trở thành giám đốc của McKinsey&Co và sau đó
làm chủ tịch của American Express và kiêm luôn chức giám đốc điều hành
một công ty con của hãng này. Gerstner đã làm việc cho American Express
11 năm trước khi trở thành chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của RJR
Nabiso, Inc và sau đó trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của IBM - nơi
mà tài năng lãnh đạo của ông đã trở thành huyền thoại.
Biết quyết định táo bạo trước thách thức
Vào cuối những năm 1980, IBM là tập đoàn hàng đầu thế giới về các loại
máy tính, máy văn phòng, bao gồm cả máy đánh chữ và máy photocopy.
Bên cạnh đó IBM cũng là nhà sản xuất lớn nhất về mạch tích hợp, được sử
dụng trong các sản phẩm của riêng công ty. Tuy nhiên, địa vị độc quyền
của tập đoàn này đã bị lung lay khi máy tính cá nhân IBM lúc ấy bắt đầu bị
cạnh tranh dữ dội bởi các dòng máy tính tương thích IBM với giá rẻ hơn.
Hạn này nối tiếp hạn kia, thời kỳ suy thoái kinh tế Mỹ đầu thập niên
1990 đã khiến IBM thêm một lần nữa lâm vào tình trạng điêu đứng, khiến
40.000 nhân viên bị mất việc làm vào năm 1992. Đó cũng là năm IBM
chào bán máy xách tay ThinkPad với con chuột được gắn giữa bàn phím có
cái tên mới TrackPoint. IBM bỗng nhiên trở nên trì trệ trước những thay
đổi liên tục của thị trường. Lần đầu tiên trong lịch sử giá cổ phiếu của của
IBM giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước đó, khi công ty thua lỗ 15 tỷ
đô-la, khiến John F. Akers, chủ tịch công ty từ năm 1985 đã từ chức vào
đầu năm 1993.
Từ tháng 4 năm 1993, Louis V. Gerstner được cử làm chủ tịch tập đoàn
IBM. Không giống với các nhà quản lý trước đó của công ty, Louis
Gerstner chưa từng tham gia kinh doanh trên thị trường về lĩnh vực máy
tính, có lẽ chính vì vậy mà Louis Gerstner đã dám mạo hiểm và thích một
thử thách lớn khi đảm nhiệm việc cải tổ bộ máy cồng kềnh, đồ sộ của một
tập đoàn như IBM.