Cách đây không lâu, người viết có đến thăm một vị Acharn đã chứng ngộ
những thành quả cao siêu và nổi tiếng sâu rộng là một thiền sư lỗi lạc. Vị
thiền sư này được nhiều vị tỳ khưu, sāmaṇera, và thiện tín cư sỹ hầu khắp
các nơi trong nước hết lòng tôn kính. Vào lúc bấy giờ Ngài đang có cuộc
đàm thoại với một số tỳ khưu đệ tử trong chùa, và người viết cũng được đón
mừng và mời đóng góp vào cuộc thảo luận không chính thức này. Chúng tôi
thảo luận về một số vấn đề thực hành và nhắc đến Ngài Acharn Mun là thiền
sư của Ngài. Theo lời tường thuật của vị thiền sư này thì lúc bấy giờ Ngài
Acharn Mun đang lưu ngụ trong một vùng rừng núi xa xôi của tỉnh
Chiengmai, cách thị xã khoảng hai hay ba ngày đường. Nhiều câu chuyện
quả thật tuyệt vời và đặc biệt , nhưng nơi đây chỉ thuật lại một vài chuyện
thôi.
Theo lời vị thiền sư thì ngoài mức độ thành tựu trạng thái tâm tuyệt đối
trong sạch mà không còn ai nghi ngờ, Ngài Phra Acharn Mun cũng có nhiều
phẩm hạnh độc đáo làm cho các đệ tử tức khắc tôn trọng, kính sợ, và cảm
kích. Những vị đệ tử cùng chung sống với Ngài phải thận trọng lúc nào cũng
nghiêm chỉnh tự kiểm soát tư tưởng và tính tình cũng như lời nói và hành vi
của mình.
“Tất cả những gì mà tôi nghĩ đến, Ngài đều biết, không thể giấu,” vị thiền
sư nói, “Tôi cảm thấy ngày đêm mình rất chuyên cần kiểm soát tâm. Vậy mà
những suy nghi ấy thường được bộc lộ cho tôi và cho người khác. Nhưng đó
là lỗi của tôi vì nhiều khi tâm tôi thích lừa phỉnh. Quý vị biết cái tâm bay
nhảy nhanh nhẹn thế nào rồi. Nó phóng nhảy đầu này đầu kia cả ngày cả
đêm, trong mỗi khoảnh khắc. Tôi thường không theo dõi kịp để kiểm soát,
vì thế thường bị mắng. Và quan trọng hơn, có vài ý nghĩ mà tôi đã quên,
nhưng Ngài có thể còn nhớ và nhắc lại cho tôi.”
“Ngài có mắng sư không?” người viết hỏi.
“Có, đôi khi,” vị thiền sư trả lời, “nhưng có những lúc khác Ngài chỉ cảnh
báo, và lấy ý nghĩ của tôi làm đề tài cho buổi giảng để dạy tôi và những
người khác. Tôi không khỏi cảm thấy hổ thẹn. Tuy nhiên, khi có những
người khác cùng nghe thì Ngài ít khi nêu tên, chỉ nhắc đến ý nghĩ sai lầm ấy
và giải thích như vậy là sai ở điểm nào.”