mức độ cao hơn. Đó là bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời tận lực
chuyên cần tu tập của Ngài. Ba tháng trước đó đã bị hoang phí chạy theo
những ảo ảnh bên ngoài, một hạn chế khi thiếu sự hướng dẫn và trông nom
của một vị thiền sư tài giỏi. Hạn chế này ít ra cũng gây chậm trễ không cần
thiết, mà nếu nguy hại hơn, còn có thể dẫn dắt hành giả lầm đường lạc lối,
đưa vào những hoàn cảnh hiểm nguy và khốn khổ.
Tình trạng xuống dốc vào giai đoạn đó
Phra Acharn Mun thường nói rằng vào giai đoạn Ngài dấn thân vào pháp
hành để trau dồi và rèn luyện tâm, rất ít người lưu ý đến tầm quan trọng của
khía cạnh này trong Phật Giáo. Đối với hàng tại gia cư sỹ, thực hành để trau
dồi tâm hình như là điều gì xa lạ, không liên hệ đến Phật Giáo. Khi thấy một
vị tu sỹ dhūtaṅga từ xa đến thì người ta sợ hãi. Nếu ở gần làng, người ta bỏ
chạy vào xóm, hoặc chạy vào khu rừng gần đó, lẩn núp trong lùm bụi. Trong
chốc lát, vị tỳ khưu bỗng thấy mình còn trơ trọi một mình. Thử tưởng tượng,
bị bỏ rơi như vậy vị ấy cảm thấy bơ vơ dường nào, nhất là khi đến một vùng
xa lạ, muốn hỏi đường đến làng hay quận gần nhất.
Đi trên núi, đôi khi vị tỳ khưu thấy vài phụ nữ và trẻ con đang hái rau hay
bắt cá dưới suối. Vừa thấy dạng nhà sư từ xa đến họ sợ hãi, vội vã kêu réo
nhau, “Kìa! Ông sư Ăn trưa đến kìa!” Rồi họ vứt giỏ, thúng, hay bất kể
những gì đang cầm trong tay, không sợ có gì có thể vỡ hay mất, hớt hải chạy
đến chỗ núp gần nhất. Còn trẻ con, bị bỏ rơi một mình sau cơn kêu la kinh
hoàng của mẹ thì hoảng sợ. Chúng chạy rối loạn đầu này đầu kia không biết
chạy về đâu, trong khi mẹ chúng vẫn còn quá sợ hãi đang ẩn trốn không dám
ra. Trong tình trạng rối ren hỗn loạn ấy, “Nhà sư Ăn trưa” sững sờ, không
còn lựa chọn nào khác là buồn bã tiếp tục con đường của mình. Mọi cố gắng
để dỗ dành các em bé sẽ làm cho tình thế càng trở nên trầm trọng hơn, và
làm tiếng la hét càng to hơn và sợ hãi hơn. Chỉ đến khi “Nhà sư Ăn trưa” đi
khỏi tầm mắt, cảnh hỗn loạn mới chấm dứt. Khi đó các bà mẹ mới trở ra dỗ
con và, thấy không mất gì, họ nhắc lại câu chuyện gặp “vật” khủng khiếp,
cười với nhau về sự la hét và chạy bán sống bán chết của chính họ. Rồi họ
trở lại công cuộc hái rau và bắt cá hàng ngày.