trong quá khứ và đang phải chịu đau khổ hay vui hưởng quả lành trong hiện
tại, mà còn là những người đang tạo nhân trong hiện tại và sẽ gặt quả khổ
hay lạc trong tương lai. Những quả ấy không phải là sở hữu riêng của riêng
ai mà thuộc về tất cả những ai quan tâm và dám tạo nhân tương xứng cho
mình.
Không nên khinh miệt nghiệp của người khác
“Theo sự hiểu biết như vậy, người Phật tử được dạy không được khinh
miệt những ai đang đau khổ khốn cùng vì chịu quả của những nghiệp bất
thiện mà họ đã tạo trong quá khứ. Nào ai biết, rất có thể chính ta sẽ phải ở
trong hoàn cảnh tương tự, hay còn tệ hơn. Và họ có thể sẽ được như ta ngày
nay, hay thậm chí còn ở trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Đó là Định Luật của
Nghiệp hay của Pháp, ta nên quan sát những hành động thiện và bất thiện
của mình và của người khác, và rồi lựa chọn nhân lành và loại bỏ những
nhân không mong ước. Từ ngày thọ lễ xuất gia đến nay, ta đã tận dụng từng
giây, từng phút để tự quan sát, chọn nghiệp thiện và loại trừ nghiệp bất thiện
luôn sanh khởi và hoại diệt trong tâm.
“Các loại nghiệp khác nhau đã được tạo nên do tâm và cũng chính trong
tâm quả được tích trữ. Đó là sự thật hiển nhiên không ai có thể hoài nghi.
Người không tin vào sự thật của nghiệp sẽ gieo trong tâm mình tình trạng
mù quáng và lạc hướng suốt cả cuộc đời. Những người ấy được cha mẹ nuôi
dưỡng và chăm sóc đến trưởng thành, nhưng vì được cha mẹ quá nuông
chiều, không biết nhờ đâu mình khôn lớn đến tuổi này. Điều mà họ biết là
cái thân này mà hiện thời họ gọi là của họ, thích quên ơn mồ hôi nước mắt
của cha mẹ đã dày công lao khổ để nuôi nấng và nuôi dưỡng cái thân ấy để
họ vui hưởng ngày nay. Cơ thể vật chất cần thức ăn và thức uống để được
khỏe mạnh và trưởng thành. Nếu những cố gắng kiên trì và khổ nhọc nhằm
cung cấp đầy đủ cho con mà không thể gọi là “nhân của nghiệp” thì có thể
gọi là gì? Cái thân, được cung cấp thức ăn và thức uống đầy đủ được khỏe
mạnh, bền vững trưởng thành và thuần thục. Nếu không thể gọi là “quả của
nghiệp” thì phải gọi là gì?