nhận lời, có nghĩa là phải đi bộ đường xa rồi đi bộ trở về. Dù trong những kỳ
nhịn ăn, khi tôi không muốn làm gì ảnh hưởng đến sự cố gắng của mình,
những diễn biến tương tự vẫn xảy ra và tôi vẫn phải thực hiện những cuộc
băng rừng như vậy.”
“Anh bạn cọp” đã góp phần tăng trưởng năng lực ý chí cho vị tỳ khưu này
một cách đắc lực. Chừng hai hay ba đêm thì nó rời hang để đi tìm thức ăn,
nhưng rất lạ, nó vẫn không để ý gì đến vị tỳ khưu, mặc dù phải đi ngang qua
gần sư mỗi lần đi và mỗi lần về. Từ đó về sau, vị sư ấy luôn chọn bất kỳ nơi
nguy hiểm nào mà sư có thể tìm được để hành thiền, và suốt đời sống ở nơi
thanh vắng.
Trên đây là câu chuyện một người cương quyết và nhiệt thành, nghiêm
chỉnh khép tâm vào kỷ luật và đã chiến thắng nỗi sợ của mình. Lý thú hơn
cả là làm thế nào mà sư đã biến con cọp, vốn có thể là kẻ thù đáng sợ nhất
của mình, trở thành bạn lành hỗ trợ mình phát triển năng lực ý chí cương
quyết.
Tại làng rừng Nong Phue
Ngài Acharn sống nhiều năm thanh bình an lạc và hạnh phúc tại làng rừng
Nong Phue cùng với nhiều vị tỳ khưu dhutaṅga đã vững chắc phát triển tốt
đẹp ý chí cương quyết dưới sự hướng dẫn của Ngài. Trong mùa an cư kiết hạ
có đến hai mươi vị cùng ở chung, nhưng tất cả đều là những vị phẩm hạnh
đoan trang, giới đức nghiêm túc, nên không tạo vấn đề phiền phức cho Ngài.
Tất cả mọi người đều quyết chí, một dạ một lòng cùng hướng về một mục
tiêu, giống như chân tay hay các bộ phận trong cơ thể.
Vào buổi sáng, hình ảnh đi trì bình trông rất ấn tượng. Các sư đi hàng
một, tạo thành một hàng dài. Dân trong làng chuẩn bị sẵn những hàng ghế
dài để sau khi thọ bát, các Ngài ngồi lại tụng kinh chúc phúc (anumodanā).
Về đến nơi cư ngụ, các Ngài ngồi một hàng dài theo thứ tự tuổi hạ, và cùng
thọ thực chung. Khi ăn xong các Ngài rửa bình bát sạch sẽ và lau khô ráo, để
bát vào bao và đem cất vào chỗ thích hợp. Khi đâu đó xong xuôi, các Ngài
trở về nơi ở của mình ở quanh chùa, bắt đầu thiền hành hay thiền tọa, kéo
dài bao lâu tùy nhu cầu của mỗi cá nhân. Đến khoảng bốn giờ chiều, lại thấy