hiểm nguy giờ đây đã đến, và giờ đây chính là lúc phải nhập rút vào trạng
thái nhất điểm tâm. Một khi sư hình dung rằng cọp đang nhảy xổ vào chụp
cổ mình thì tâm tức khắc rút vào nhất điểm, không còn gì ngoài trạng thái
nhất điểm không lay chuyển và thanh bình an lạc không thể tả. Sư nhập vào
trạng thái tách biệt của tâm từ khoảng hai giờ đêm đến khoảng mười giờ
sáng, và cũng như trước, sư không cảm thấy cần phải đi trì bình hay không
cần thọ thực.
Ở đây nên ghi nhận rằng trong khi tâm hoàn toàn rút vào trạng thái gọi là
nền tảng của thiền thì thân không còn phản ứng hoặc hay biết gì đến môi
trường bên ngoài. Đây cũng là cái mà vị tỳ khưu trong câu chuyện đã được
trải nghiệm, vì tâm của sư đột ngột rút vào trạng thái này mỗi khi có điều
kiện từ bên ngoài.
Sau khi xuất thiền, sư đi đến nơi đã nghe những tiếng động của “anh bạn”
của mình và trông thấy rõ ràng dấu chân của nó chỉ cách chỗ mình ngồi
chừng bốn thước. Lạ thay, cọp đi thẳng vào hang mà không tỏ vẻ quan tâm
đến “anh bạn” mình ngồi cách đó không xa.
Về sau, vị tỳ khưu ấy kể lại rằng, “Thật rất khó mà rèn luyện tâm nếu
không có áp lực hay năng lực mạnh thúc đẩy nó trở nên thuần thục. Một
khoảnh khắc hiểm nguy thường trợ giúp tâm rút vào trạng thái an định trong
nháy mắt. Vì thế, tôi luôn thích nơi nguy hiểm hơn là hang động hay một
khu rừng bình thường. Tốt hơn là tôi đến nơi nào có cọp. Dù sao, tính cách
của tôi vẫn còn quá thô kệch, và vì thế những phương pháp dịu hiền không
bao giờ đủ mạnh để thuần hóa tâm tôi.
“Còn có những kết quả khác kèm theo,” sư nói tiếp. “Ngoài hạnh phúc và
an lạc có được trong cái hang đó, tôi còn giao tiếp được với các vị trời và
còn cái gì như là nhìn được tương lai liên quan đến cái chết. Bỗng dưng tôi
có thể biết lúc nào thì một người trong làng gần đó chết, và tất cả những gì
được biết trước đều chứng tỏ là đúng. Cái hang mà tôi lưu ngụ nằm khoảng
tám cây số cách làng gần nhất và mỗi khi có sự hiểu biết lạ thường như vậy
xảy đến cho tôi thì sau đó có người làng đến thỉnh tôi đi cầu siêu cho người
chết. Dù tôi có từ chối họ vẫn nài nỉ, nói rằng rất hiếm có sư ở vùng rừng đó,
và cầu xin tôi mở lòng thương xót họ. Tôi không thể làm gì khác hơn là