trả lời : - “Một thanh niên Do Thái, quốc tịch Đức, 26 tuổi, giúp việc tại Phòng
Văn Bằng tại Berne”.
Bài khảo cứu của Einstein đã làm cho nhiều người thắc mắc, nghi ngờ. Vào thời
kỳ đó, ít người đo lường nổi sự quan trọng lớn lao của học thuyết Einstein
nhưng dù sao, lý thuyết đó đã cách mạng hóa quan niệm của con người về Vũ
Trụ. Henri Poincaré khi đó đã viết về Albert Einstein như sau: “Ông Einstein là
một trong các đầu óc khoa học phi thường mà tôi chưa từng thấy. Đứng trước
một bài tính vật lý, ông Einstein đã không bằng lòng với các nguyên tắc cổ điển
sẵn có, mà còn nghiên cứu tất cả các trường hợp có thể nhận được”.
Thật là kỳ lạ khi công trình khảo cứu có giá trị lớn lao đó lại do một nhân viên
xoàng của Phòng Văn Bằng phổ biến. Người ta vội mời ông giảng dạy tại
trường Đại Học Zurich. Mọi người đều biết rằng tại các trường Đại Học, trước
khi trở thành một giáo sư thực thụ, ai cũng phải trải qua thời kỳ của một giảng
sư. Einstein nhận giữ chân này theo lời khuyên của Giáo Sư Kleiner.
Chân Giáo Sư môn Vật Lý Lý Thuyết tại trường Đại Học Zurich bị trống. Vì
vấn đề chính trị, hội đồng quản trị đại học mời Friedrich Adler, giảng sư, lên
phụ trách, nhưng Adler đã từ chối và nói: - “Nếu có thể có một người như
Einstein vào Đại Học của chúng ta thì việc gọi đến tôi thật là vô lý. Tôi thú
nhận rằng trình độ hiểu biết của tôi không thấm vào đâu với Einstein. Chúng ta
không nên vì vấn đề chính trị mà không mời một người có thể làm cho mức
hiểu biết tại bậc đại học được cao hơn". Vì vậy vào năm 1909, Einstein được bổ
nhiệm làm “Giáo Sư Đặc Cách” của trường Đại Học Zurich.
Tuy bước lên một địa vị cao hơn trong xã hội, nhưng lúc nào Einstein cũng thản
nhiên, bình dị. Cuộc sống mới này tuy khá hơn trước về mặt tài chính, nhưng bà
vợ ông vẫn phải chứa trọ các sinh viên để kiếm thêm tiền. Trước tình trạng vật
chất còn eo hẹp đó, Einstein đã có lần nói đùa như sau: “Trong Thuyết Tương
Đối của tôi, tôi đã đặt rất nhiều đồng hồ tại khắp nơi trong Vũ Trụ nhưng thực
ra, tôi thấy không có đủ tiền mua nổi một chiếc để đặt ngay trong phòng của
chính mình”. Thời gian sinh sống tại Zurich thật là phẳng lặng, hai ông bà
Einstein cùng hồi tưởng thời sinh viên và coi cái tỉnh này như một tổ quốc nhỏ
bé, nhưng yêu dấu.