ALBERT EINSTEIN - CON NGƯỜI VĨ ĐẠI - Trang 15


Năm 1910, Đại Học Đường thuộc Đức tại Prague, Tiệp Khắc, thiếu một chân
giáo sư vật lý lý thuyết. Đây là trường đại học cổ nhất của miền Trung Âu.
Trong hậu bán thế kỷ 19, các giáo sư Tiệp và Đức cùng nhau giảng dạy, nhưng
rồi cuộc tranh chấp chính trị đã khiến cho nhà cầm quyền quyết định rằng từ
năm 1888, trường đại học này được phân ra làm hai, một đại học Đức, một đại
học Tiệp. Sự phân chia đó đã làm cho các giáo sư và sinh viên của hai đại học
đường không liên lạc gì với nhau và còn hiềm khích nhau nữa.

Theo nguyên tắc, trường đại học đề nghị các giáo sư vào các ghế trống, còn ông
Bộ Trưởng Giáo Dục chỉ định vị được tuyển dụng nhưng thực ra vào thời kỳ
đó, quyền chọn lựa thuộc về nhà vật lý học Anton Lampa, một người đã có
công trong việc canh tân phương pháp giáo dục. Lúc bấy giờ có 2 người đủ khả
năng: Gustave Jaumann, giáo sư thuộc Viện Kỹ Thuật Brno và Albert Einstein
là người thứ hai. Theo quy luật, thứ tự các người được chọn lựa phải căn cứ vào
công cuộc khảo cứu khoa học của họ, và vì lý thuyết của Einstein được nhiều
người biết tới, Einstein được xếp lên trên Jaumann. Nhưng cuối cùng, ông Bộ
Trưởng Giáo Dục lại trao chức vụ cho Jaumann, vì ông ta không muốn bổ
nhiệm một người ngoại quốc. Jaumann từ chối. Chức vụ về tay Einstein.

Phải rời bỏ Zurich để đến một nơi xa lạ là một điều gia đình Einstein không
muốn, ông do dự nhưng cuối cùng nhận lời. Sống tại Prague, Einstein thường
gặp gỡ Ernest Mach, Viện Trưởng Đại Học và cũng là một nhân vật nổi danh về
một ngành Triết Học. Trong thời gian giảng dạy tại Prague, ngoài việc xây
dựng lý thuyết về trọng lực, Einstein còn để tâm tới lý thuyết về Quanta ánh
sáng của Max Planck. Thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin
Fresnel và thuyết Điện Từ của James Maxwell đã không thể cắt nghĩa được
hiện tượng Quang Điện (photoelectric effect). Einstein liền dùng công cuộc
khảo cứu của Planck vào các điều suy đoán của mình.

Vào năm 1911, một hội nghị khoa học nhỏ được tổ chức tại Bruxelles, nước Bỉ.
Người đứng ra tổ chức là nhà triệu phú Ernest Solvay. Ông này là một kỹ nghệ
gia về Hóa Chất và đã thành công lớn. Tuy giàu có nhưng Solvay vẫn yêu thích
Khoa Học và có khảo cứu chút ít về Vật Lý. Solvay muốn được nhiều người
chú ý đến công lao của mình.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.