ALBERT EINSTEIN - CON NGƯỜI VĨ ĐẠI - Trang 21

người đến trước tiên và đích thân coi sóc việc kiểm soát. Tại Đại Giảng Đường,
nơi mà các đại triết gia Ernest Renan và Henri Bergson đã từng diễn giảng hôm
đó đông chật thính giả. Người ta thấy có mặt bà Marie Curie, ông Henri
Bergson và nhiều nhân vật danh tiếng. Einstein đã dùng tiếng Pháp để thuyết
trình. Giọng nói chậm chạp của ông, đôi khi lạc vào cách phát âm của tiếng
Đức, đã làm cho bài diễn giảng thêm phần quyến rũ và bí ẩn.

Sự có mặt của Einstein tại Paris khiến cho Hàn Lâm Viện Pháp chia làm hai phe
phản đối nhau, trong khi tại nước Đức, một số nhà bác học cũng không bằng
lòng. Tuy nhiên, Einstein chỉ nghĩ đến lợi ích chung của Khoa Học và nghĩ tới
sự giao hảo giữa các dân tộc trên Thế Giới. Sau khi từ Pháp về, Einstein lại
sang Thượng Hải vào ngày 15-11-1922, rồi sang Nhật Bản và ở tại nơi đó cho
tới tháng 2 năm sau mới trở lại Palestine, rồi du lịch qua Tây Ban Nha. Khi
Einstein sắp đến châu Á thì vào ngày 10-11-1922, Hàn Lâm Viện Khoa Học
Thụy Điển quyết định trao tặng ông Giải Thưởng Nobel về Vật Lý Học.


Thuyết Tương Đối của Albert Einstein tuy được nhiều người biết đến nhưng
vào thời kỳ này sự tranh luận còn đang sôi nổi, người ta nghi ngờ không biết lý
thuyết đó có phải là một phát minh khoa học hay không. Bởi vì Alfred Nobel
quy định rằng Giải Thưởng phải được trao tặng cho nhân vật nào đã phát minh
ra thứ gì hữu ích cho Nhân Loại, nên Hàn Lâm Viện Thụy điển đã phân vân
trước công trình của Einstein về Khoa Học, rồi sau cùng quyết định như sau:
“Giải Thưởng được trao cho Albert Einstein về định luật Quang Điện và công
trình của ông trong địa hạt Vật Lý Lý Thuyết”.

Từ lâu, các nhà vật lý đều nhận thấy rằng khi cho một loại ánh sáng có tần số
đủ cao chiếu vào một miếng kim loại đặc biệt, sẽ có một dòng điện phát ra.
Hiện tượng điện học do ánh sáng mà có này được gọi là hiện tượng Quang
Điện. Lý thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel rồi Thuyết
Điện Từ của James Maxwell đều không thể cho biết căn nguyên và đặc tính của
hiện tượng trên. Einstein đã dùng lý thuyết của Max Planck về Quang Tử
(quanta) dẫn vào trong định lý về ánh sáng và đặt giả thuyết rằng trong làn sóng
ánh sáng có các quang tử chứa năng lượng. Nhờ giả thuyết này, ông đã tìm ra
được định luật Quang Điện và định luật này cho phép các nhà khoa học cắt
nghĩa được các hiện tượng có bức xạ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.