khoa học, vừa mang tính chất tâm linh, đã luôn luôn ám ảnh và thôi thúc con
người trên con đường khám phá vũ trụ và không gian, thời gian. Đó cũng là
một trong những nền tảng của văn minh và khoa học nhân loại.
Từ trước 2000 năm, nền văn minh Hy Lạp cổ xưa đã đề ra thuyết Địa Tâm
với Aristote, Ptolémée và thuyết này đã ngự trị tại Âu Châu đến cuối thế kỷ 16.
Phải đợi đến thời kỳ Phục Hưng với sự xuất hiện của những thiên tài Copernic,
Galilée, Képler, rồi Newton, bóng tối của đêm dài Trung Cổ với những giáo
điều mù quáng mới bị đẩy lui, nhường chỗ cho sự khai phóng tư tưởng và sự
thăng hoa của khoa học chân chính.
Cuộc đột phá vĩ đại đó qua câu khẳng định “Trái Đất không phải là trung tâm
của vũ trụ” đã đưa con người về đúng vị trí của mình, vô cùng bé nhỏ, như hạt
cát li ti, giữa mênh mông của vũ trụ. Nó là một cuộc cách mạng tư tưởng, trên
phương diện khoa học cũng như tâm linh, đánh dấu một sự chuyển mình vĩ đại
của nhân loại.
Đến thế kỷ 20, Einstein đã đem đến cuộc đột phá lần thứ hai với lý thuyết
Tương Đối, xét lại toàn bộ những khái niệm của con người về không gian, thời
gian, vật chất và năng lượng. Thuyết Tương Đối của ông cộng với thuyết
Lượng Tử (mà ông đã đóng góp không nhỏ và sau đó được xây dựng bởi nhiều
nhà vật lý khác) là hai cột trụ khổng lồ của nền khoa học cận đại.
Einstein, con người tài hoa, thiết tha yêu mến nhân loại và thiên nhiên, đã có
cái nhìn vô cùng triết học khi suy nghĩ về vũ trụ.
“Thí nghiệm tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể làm được là cái bí ẩn của
cuộc sống. Ðó là cảm nhận nguyên thủy của mọi nghệ thuật và khoa học chân
chính. Kẻ nào không biết đến nó, không biết ngạc nhiên, không biết chiêm
ngưỡng, kẻ đó xem như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình”.
(Comment je vois le monde, 1930 - NTT dịch)
Sự say mê những huyền bí của vũ trụ chính là động lực tâm linh thúc đẩy
ông tìm hiểu và khám phá. Ông không sợ hãi khi đứng trước những vĩ đại của
tạo hóa, ông không nản lòng khi đối diện những bí ẩn của vũ trụ. Trái lại, ông
trải hết cuộc đời để chiêm ngưỡng những nét hài hòa, những nét tuyệt vời mà
vũ trụ vẽ lên cho chúng ta để rồi sau đó, ông dành hết thì giờ để tìm hiểu và
khám phá. Đến cuối đời, ông vẫn còn mang giấc mơ tìm ra những phương trình,
những định luật, cho dù khó khăn đến đâu, nhằm giải thích tất cả những hiện
tượng xảy ra trong vũ trụ.
Einstein là một nhà bác học kỳ tài, có một sức sáng tạo vô cùng mãnh liệt.
Nhờ vào óc suy luận và tưởng tượng phong phú, và chỉ nhờ vào đó, ông đã tìm
ra nền tảng của thuyết Tương Đối, một trong những thuyết vật lý cách mạng
của nền khoa học hiện đại.