Nhưng, ngoài thiên tài khoa học, ông còn là một người có lý tưởng nhân bản,
thiết tha với cuộc sống của nhân loại. Ông không phải là nhà khoa học chỉ biết
vùi đầu trong lý thuyết hay trong phòng thí nghiệm và quên hết mọi chuyện
chung quanh, đôi khi còn không biết là những gì mình sáng chế đang tàn sát
đồng loại bên ngoài. Đối với ông, con người không thể sống tách rời xã hội, con
người sống được là do xã hội và vì thế, phải có trách nhiệm đối với nó.
Ông dấn thân tranh đấu cho hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Với tư tưởng
hướng thượng, ông không ngừng kêu gọi lương tri và trách nhiệm con người
trong cộng đồng, xã hội để thế giới ngày càng thăng tiến.
‘‘Hoàn cảnh của chúng ta rất đặc biệt, hỡi những người con của Trái Ðất !
Chúng ta chỉ ghé qua đây. Chúng ta không biết tại sao chúng ta có mặt tại đây,
dù là đôi lúc, chúng ta tưởng là chúng ta hiểu được. Nhưng, qua cuộc sống mỗi
ngày, không cần phải suy nghĩ nhiều, chúng ta biết được một điều : chúng ta có
mặt là cho kẻ khác: trước hết, cho những người mà nụ cười và sức khỏe là điều
kiện tạo ra hạnh phúc cho chính chúng ta, và sau đó là biết bao những người
vô danh khác mà số phận gắn liền với chúng ta qua một liên hệ thiện cảm nào
đó. Mỗi ngày, không biết bao nhiêu lần, tôi hiểu được rằng cuộc sống xã hội và
cuộc sống riêng tư của tôi có được là do công lao của những người hôm nay và
những người đã khuất, và từ đó, tôi tự nhủ, phải cố gắng làm sao trả lại, tương
xứng với những gì tôi đã nhận và sẽ còn tiếp tục nhận ....
(Albert Einstein – trích từ Entre science et engagements –ULB-VUB
Bruxelles)
Qua những hành động đó, chắc chắn, Einstein không thể là một người phi
đạo đức, vô luân lý.
Dĩ nhiên, trong suốt cuộc đời suy luận và sáng tạo của ông, giống đa số các
nhà bác học khác, ông thường xuyên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tâm linh,
đến Thượng Đế, đến một đấng sáng tạo.
Đối với Einstein, cái mà ông thường gọi là “tôn giáo tính” của ông, đặt căn
bản trên những nhận thức về vũ trụ. Đứng trước những bí ẩn hài hòa và tuyệt
vời của nó, ông không ngừng chiêm ngưỡng và sau đó cố gắng tìm hiểu để lĩnh
hội những bí ẩn đó. Ta có thể gọi thứ ‘‘tôn giáo tính’’ đó như là một ‘‘đạo vũ
trụ’’.
“Tôi hiểu được rằng, sau cái thế giới mà chúng ta biết được, còn ẩn giấu
một cái gì vượt khỏi tri thức của chúng ta. Một cái gì đó, mà vẻ đẹp và sự vượt
trội chỉ đến với chúng ta một cách phảng phất, như một ánh sáng hiu hắt. Trong
ý nghĩa đó, tôi là một người có tôn giáo. Tôi cố mường tượng những bí ẩn mà