sinh luôn cả cuộc đời Camille. Không phải toàn bộ, không, nhưng cái phần
mà bà hy sinh đã trở thành số phận của con trai bà. Cứ như thể bà đã nghĩ
đến chuyện sinh một đứa con nhưng không hề hình dung đó sẽ là một con
người. Camille sẽ chẳng thoát khỏi bất kỳ một gánh nặng nào, ông chỉ muốn
trút đi chút sức nặng.
Mười tám bức tranh, chủ yếu thuộc giai đoạn mười năm cuối đời Maud
Verhoeven, sẽ được đem bán. Tất cả đều thuộc trường phái trừu tượng thuần
túy. Trước một số bức, Camille có cùng cảm giác khi ngắm tranh của
Rothko, có thể nói rằng màu sắc rung lên bần bật, thở phập phồng, phải cảm
nhận thấy thế thì mới biết được hội họa sống động có nghĩa là gì. Hai bức đã
được ưu tiên mua trước, chúng sẽ được bày tại các bảo tàng, hai bức cuối
cùng, chúng như thể hét lên vì đau đớn, được vẽ khi bệnh ung thư trong
Maud đã bước vào giai đoạn cuối và là đỉnh cao nghệ thuật của bà. Bức
tranh có lẽ Camille sẽ giữ là một bức chân dung tự họa bà vẽ vào quãng ba
mươi tuổi. Nó vẽ một khuôn mặt đầy nét trẻ thơ, chất chứa những bận tâm,
gần như nghiêm trang. Chủ thể nhìn vượt ra xa ta, có gì đó thiếu vắng trong
cách bố trí ấy; đó là một sự hòa trộn hết sức tinh vi giữa nữ tính trưởng
thành và vẻ thơ ngây trẻ con, như ta thường thấy trên khuôn mặt những
người phụ nữ trước kia tươi trẻ và khao khát sự êm đềm, giờ đây bị tàn phá
vì rượu. Irène từng rất thích bức tranh này. Một hôm cô đã chụp lại nó cho
Camille, bức ảnh, khổ 10x13, vẫn luôn nằm trên bàn làm việc của ông, cùng
cái lọ thủy tinh để cắm bút mà Irène, vẫn là cô, đã tặng cho ông, thứ duy
nhất thực sự riêng tư mà Camille còn lưu giữ trong môi trường công việc
của mình. Armand vẫn thường ngắm bức ảnh này với ánh mắt ái mộ, đó là
bức tranh duy nhất của Maud Verhoeven mà anh hiểu được bởi vì nó đủ yếu
tố biểu hình. Camille tự hứa ngày nào đó sẽ tặng cho anh ta bức ảnh chụp lại
đó, nhưng vẫn chưa làm việc ấy. Ngay cả bức tranh ấy ông cũng cho đem
bán. Khi tác phẩm của mẹ ông rốt cuộc đã bị phân tán hết, có lẽ ông sẽ được
bình yên, có lẽ rốt cuộc ông cũng sẽ có thể đem bán mắt xích cuối cùng của
sợi dây chẳng còn buộc vào đâu nữa, xưởng vẽ Montfort.
Cơn buồn ngủ ập đến cùng những hình ảnh khác, khẩn cấp hơn và thời sự
hơn, những hình ảnh về cô gái trẻ bị nhốt và đã tự giải thoát, vẫn là những