viện bảo tàng. Cùng lúc ấy ông ta cung kính chìa một tấm danh thiếp đưa
cho Poirot, trên đó có hàng chữ: “Ngài Guido Richetti, Nhà khảo cổ học.”
Đáp lại, Poirot cũng đưa tấm danh thiếp của mình cho ông. Sau khi màn
nghi thức kết thúc, hai người đàn ông cùng bước vào viện bảo tàng, và
ngay sau đó quý ông người Ý tuôn ra một tràng kiến thức uyên thâm của
mình. Và bây giờ thì họ lại trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp.
Trong khi đó, người thanh niên trong chiếc quần nỉ kia lượn khắp viện
bảo tàng, ngáp tới ngáp lui một lúc, rồi sau đó nhanh chân lỉnh ra bên
ngoài.
Cuối cùng, Poirot và ngài Richetti cũng tìm thấy anh ta. Trong lúc quý
ông người Ý đang hăng say kiểm tra các tàn tích, thì Poirot đi về hướng gần
các mỏm đá nơi ông đã chợt phát hiện ra một chiếc dù xanh.
Ở đó, bà Allerton đang ngồi trên một tảng đá to, với một bản thảo để bên
cạnh cùng với một quyển sách đặt trên đùi.
Poirot giở mũ lịch sự chào và bà Allerton cũng liền đon đả: “Chào buổi
sáng. Tôi cho rằng thật khó mà thoát khỏi đám trẻ ghê gớm này.”
Lúc đó có một nhóm trẻ con đen đúa đang bao quanh bà, vừa cười nhăn
nhở vừa thi thoảng đưa tay nài nỉ một cách hi vọng: “Cho con một ít bạc lẻ
đi.”
“Tôi tưởng chúng đã mệt với tôi rồi chứ,” bà Allerton buồn rầu nói.
“Chúng đã theo tôi suốt hơn hai tiếng đồng hồ liền – và càng ngày chúng
càng tiếp cận gần hơn; chỉ đợi đến khi tôi hét: ‘Đi đi’ và vung dù lên thì
chúng mới chịu đi ra chỗ khác. Mà rồi chúng cũng lại quay lại và ngó chằm
chằm vào tôi, những đôi mắt của chúng thật ghê tởm, thứ mùi trên cơ thể
của chúng cũng thế, có lẽ tôi không ưa chúng được – khi mà chúng không
tắm rửa sạch sẽ và cư xử đàng hoàng.”
Bà cười buồn bã.
Poirot xua đám nhỏ một cách hòa nhã, nhưng cũng không có kết quả.
Chúng tản ra rồi xúm lại, càng lúc càng gần hơn.
“Tôi sẽ thích Ai Cập hơn nếu ở đây có được một chút yên bình.” Bà
Allerton làu bàu. “Nhưng ở đâu thì cũng không được yên thân. Sẽ luôn