soạn sách giác ngộ người đời, ngõ hầu trước là để ai nấy chẳng lầm lỗi, sau
là thoát khỏi biển khổ sanh tử.
Vì thế, ông viết cuốn sách khuyên kiêng giết hại đặt tên là Vạn Thiện
Tiên Tư, sách giới dâm tên Dục Hải Hồi Cuồng. Ấy là vì chúng sanh tạo
nghiệp chỉ hai sự này là nhiều nhất, mà sửa lỗi thì cũng chỉ hai sự này là
khẩn yếu nhất. Ông còn soạn Âm Chất Văn Quảng Nghĩa (giảng rộng nghĩa
lý bài Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân) ngõ hầu với mỗi một pháp, ai
cũng biết phân biệt đầu mối, đều biết kiêng dè. Sách phê bình, biện luận
cùng tột, tinh vi, đáng gọi là bậc công thần của Đế Quân, triệt để bóc trần,
phơi bày tất cả cái tâm rủ lòng giáo huấn khiến cho ngàn đời trước, ngàn đời
sau cả người giáo huấn lẫn người được giáo huấn không buồn bã, tiếc nuối
gì. Ấy là vì tiên sinh kỳ tài diệu ngộ, đã dùng những sự tích thế gian để phát
huy những nghĩa lý áo diệu, u vi của Phật, Tổ, khiến cho người nhã, kẻ tục
cùng xem, người trí, kẻ ngu cùng hiểu.
Lại vì trong các pháp môn tu hành, chỉ có pháp Tịnh Độ là thiết yếu nhất
nên tiên sinh lại soạn cuốn Tây Quy Trực Chỉ để giảng rõ đại sự niệm Phật
cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Bởi lẽ, tích đức tu thiện chỉ được
phước nhân - thiên, phước hết lại phải đọa lạc. Niệm Phật vãng sanh là dự
vào địa vị Bồ Tát, quyết định đạt thành Phật đạo.
Ba cuốn sách đầu tuy dạy người tu thiện nghiệp thế gian, nhưng vẫn gồm
đủ pháp liễu sanh thoát tử. Cuốn sách thứ tư tuy dạy người pháp liễu sanh tử,
nhưng phải tận lực hành điều thiện thế gian. Thật có thể nói là tiên sinh hiện
thân cư sĩ để thuyết pháp độ sanh. Ai bảo tiên sinh chẳng phải là Bồ Tát tái
lai, tôi chẳng dám tin.
* Văn bút lẫn nghĩa luận của sách Cảm Ứng Thiên Vựng Biên thảy đều
siêu tuyệt, nhưng chẳng được quán thông Phật pháp như An Sĩ Toàn Thư.
Ngoại trừ sách An Sĩ Toàn Thư ra, tôi cho rằng cuốn này là hay nhất.
* Sách Cảm Ứng Thiên giảng thẳng [vào vấn đề], là sách do bậc đại
thông gia soạn, lời chú giải thuần dùng văn bạch thoại, chỉ đọc qua một lượt,
sẽ tự hiểu rõ ý nghĩa. Lúc con cái còn nhỏ, rất nên bảo chúng đọc sách này
để nhờ sách này răn dạy con cái mình, tương lai chúng ắt sẽ được thọ dụng
chân thật hòng gỡ bỏ mối lo cho mình.
* Sách Cư Sĩ Truyện do tiến sĩ Bành Thiệu Thăng ở Tô Châu soạn vào
thời Càn Long. Ông xem khắp các sách vở, chọn lấy những gương đại trung,
đại hiếu, thanh cao, chánh trực, liêm khiết, hữu công danh giáo, hiểu sâu
Phật pháp từ đời Hán đến nay, ghi chép những sự nhập đạo, tu chứng của họ,