"Ta không thể hiểu được tại sao hắn có thể cầm súng bắn vào
đất nước mình, đồng bào mình, không vì cái gì cả," bác tôi hét lên
giận dữ.
Điều thứ hai làm cho Oslo quỵ ngã là những nạn nhân của cuộc
tấn công, những người trẻ tuổi, có tài năng và thành tích nổi trội. Họ
được chọn lựa từ rất nhiều các trường học, tổ chức sinh viên để đến
tập huấn tại trại hè Utøya. Họ không chỉ mang theo niềm tự hào của
gia đình mà còn được tin tưởng trở thành đội ngũ lãnh đạo kế cận
cho đất nước Na Uy. Hình ảnh của những nạn nhân trẻ tuổi ấy được
đăng tải liên tục trên báo chí Na Uy.
Ngày tôi đến Na Uy, đã 10 ngày sau cuộc tấn công, mà hai tờ báo
lớn của Na Uy là Aptenposten và VG dành nhiều trang ngập tràn
hình ảnh về những nạn nhân, hình ảnh gia đình, bạn bè ôm di ảnh
của họ. Bản tin thời sự trên ti vi cập nhật về các lễ tang diễn ra ở
nhiều nơi trên đất nước. Những gương mặt trong bức ảnh thờ vừa
trẻ vừa bừng sáng vì ánh mắt thông minh, cương quyết và lạc quan.
Oslo lần này tôi đến chênh vênh những nỗi ám ảnh. Đó là nỗi sợ
hãi của người dân hướng vào cảnh sát, những người họ đã rất tin
tưởng. Anders đã đóng giả cảnh sát và lừa đám đông học sinh đứng
xếp hàng cho hắn bắn, là nỗi đau dân tộc khi chính một người con
của Na Uy điên loạn sát hại đồng bào mình và cả nỗi xót xa cho
những nạn nhân còn quá trẻ. Những nỗi đau ấy tôi không thể đọc
được trên báo chí.
Bật khóc ở thiên đường
Tôi thường gọi Oslo là thiên đường, đặc biệt vào mùa Hè, khi nước
biển Oslo xanh thẫm, cả Oslo sáng bừng bởi ánh mặt trời chiếu rọi
lên những tòa nhà cao tầng bọc kính và dát bạc trên bến cảng. Tôi
nhìn thấy những nụ cười Oslo đầy khoan khoái trong tiệm cà phê,
hay trên đường.