Thực hiện việc giám sát là một trong những chiếc cột quan trọng nhất
của một chính phủ thành công. Chúng tôi trao quyền cho quan chức chính
phủ và ủy thác ngân sách để hoạt động. Đồng thời, chúng tôi giám sát và
yêu cầu họ chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Nhưng điều gì sẽ xảy
ra khi một quan chức chính phủ phạm sai lầm hay còn nhiều thiếu sót? Bao
nhiêu cơ hội nên được trao cho một quan chức? Tôi sẽ xem xét vấn đề này
về cả khía cạnh hệ thống mà chúng tôi sử dụng để quản lý và điều chỉnh
hiệu suất của toàn bộ chính phủ cũng như dựa trên triết lý cá nhân của tôi
về sự khoan dung cho những sai lầm cá nhân.
Cấp giám sát đầu tiên đo lường hiệu quả theo một kế hoạch chiến lược.
Chúng tôi sử dụng một hệ thống điện tử toàn diện bao gồm hàng ngàn các
chỉ số hiệu suất để đo những thành tựu của các Bộ so với kế hoạch của họ.
Bằng cách đó, bản thân tôi có thể theo dõi trực tiếp việc thực hiện của các
Bộ. Mỗi Bộ trưởng có thể kiểm tra các chỉ số riêng của Bộ mình. Chúng tôi
gửi báo cáo cho các Bộ khi có bất kỳ thiếu sót nào xảy ra để họ có thể khắc
phục.
Cấp thứ hai là theo dõi thực địa, nghĩa là theo dõi mức độ dịch vụ khách
hàng của các cơ quan chính phủ. Chúng tôi có những nhân viên giả trang
làm người mua sắm hay khách hàng đến tiếp xúc và giao dịch với các Bộ
hàng ngàn lần mỗi năm. Những nhân viên này chuẩn bị các báo cáo về dịch
vụ khách hàng, chuyển đến các Bộ trưởng có liên quan để các quan chức
cấp cao này xem xét và cân nhắc sửa chữa những thiếu sót của họ.
Đội của tôi cũng nhận được bản sao các báo cáo này, nhưng quyết định
của chúng tôi không căn cứ hoàn toàn vào chúng. Ở cấp giám sát thứ ba, cá
nhân tôi sẽ tới thăm các tổ chức chính phủ. Tôi theo dõi các dự án của họ,
kiểm tra các mô hình thành công thực hiện tại một số cơ quan chính phủ,
gặp gỡ và lắng nghe các quản lý cấp hai, cấp ba. Tôi không tin là việc theo