Máy móc đáp lại sự chăm chút của Tom: những tấm gương ánh lên,
những chi tiết bằng đồng sáng bóng, và ngọn đèn quay trên chậu thủy ngân
nhịp nhàng trơn tru như con mòng biển lượn trên ngọn gió. Thỉnh thoảng
anh cũng có thời gian đi xuống chỗ vách đá để câu cá, hay đi bộ dọc theo
bờ biển cát mịn dưới phá. Anh làm bạn với cặp rắn mối đen sống trong nhà
kho gỗ, lâu lâu lại mang ra cho chúng ít thức ăn của gà. Anh ăn uống dè
sẻn: phải mấy tháng nữa mới có thuyền tiếp tế.
Công việc vất vả và bận rộn. Những người gác đèn không có hội đoàn gì,
không như thủy thủ trên thuyền tiếp tế – chẳng ai đình công đòi tăng lương
hay đòi cải thiện điều kiện làm việc cả. Sau một ngày làm việc anh mệt lả,
nhức nhối, có khi lo lắng vì cơn bão sắp đổ đến, hoặc bực bội vì mưa đá
vừa phá hết đám rau củ. Nhưng nếu không nghĩ ngợi quá lâu, anh vẫn biết
mình là ai, đang làm gì. Anh chỉ cần giữ cho ngọn đèn cháy. Không có gì
hơn.
***
Gương mặt ông già tuyết má đỏ, râu rậm nhìn anh cười sảng khoái. “A,
anh Tom Sherbourne, anh sống ra sao rồi?” Ralph không chờ câu trả lời,
ném cho anh sợi dây ướt nhẹp để quấn quanh cột. Trông Tom rắn rỏi khỏe
mạnh sau ba tháng, như những người gác đèn khác mà ông từng biết. Trước
đó Tom mải chờ hàng tiếp tế cho ngọn đèn là chính, không quan tâm nhiều
đến những thứ đồ ăn cũng sẽ được mang ra. Anh cũng quên mất là con
thuyền sẽ mang ra cả thư từ, nên khá bất ngờ khi nhận mấy phong thư từ
tay Ralph lúc cuối ngày. “Suýt nữa thì quên,” lão nói. Thư từ Cán bộ Quận
của Ngành hải đăng, xác nhận việc bổ nhiệm công tác cho Tom cùng với
các điều kiện đi kèm. Thư của Cơ quan Hồi hương, ghi rõ các khoản phúc
lợi dành cho quân nhân vừa trở về, bao gồm cả lương hưu thương binh và
khoản vay lập nghiệp. Cả hai đều không liên quan đến Tom nên anh mở lá
thư tiếp theo, một tờ sao kê từ Ngân hàng Khối Thịnh Vượng Chung, xác
nhận anh vừa tích lũy được bốn phần trăm lãi suất trên số tiền năm trăm