***
Có những lúc đại dương chẳng còn là đại dương – không còn màu xanh,
không chỉ là nước mà là cơn bùng nổ cuồng nộ, đầy sức mạnh và hiểm
nguy: sự dữ dội chỉ có Chúa mới gọi đến được. Nước biển táp lên hòn đảo,
quất lên đỉnh hải đăng, gặm nhấm cả vách đá khiến từng mảnh rơi ra. Âm
thanh đó như tiếng gào thét của một con quái vật trong cơn giận dữ khôn
cùng. Đó cũng là những đêm người ta cần đến ngọn đèn biển nhất.
Trong những trận bão dữ dội, khi cần Tom sẽ thức canh đèn cả đêm, ngồi
bên chiếc lò sưởi đốt dầu, uống trà ngọt đựng trong phích nhỏ. Anh nghĩ
đến những con người tội nghiệp đang ở trên tàu và anh cám ơn Chúa rằng
mình được an toàn. Anh trông chừng tín hiệu đèn báo nguy, sẵn sàng thả
chiếc xuồng cứu hộ xuống, nhưng biển trời như vậy thì ai biết chiếc xuồng
liệu có ích gì.
Đêm tháng Năm đó Tom ngồi với cây bút chì và cuốn sổ nhỏ trong tay,
cộng các con số. Lương hàng năm của anh là 327 bảng. Một đôi giày trẻ
con bao nhiêu tiền? Theo lời Ralph thì bọn trẻ cần giày mới liên tục. Rồi
còn áo quần. Rồi sách vở nữa. Đương nhiên, nếu anh cứ ở lại Hải đăng xa
bờ thì Isabel sẽ phải dạy chúng học ở nhà. Nhưng trong những đêm như
đêm đó, anh tự hỏi liệu có công bằng không nếu bắt ai đó, chứ chưa nói đến
trẻ con phải sống cuộc sống trên đảo. Nhưng anh nhớ ngay đến lời Jack
Throssel, một người gác đèn ở phía Đông. “Tốt nhất trên thế gian với trẻ
con, tôi thề đấy. Cả sáu đứa con tôi đều ngon lành. Lúc nào cũng bày trò
nghịch ngợm: hết thám hiểm hang động lại tự làm nhà chơi. Một đội tiên
phong chính hiệu. Bà vợ tôi thì luôn đảm bảo chúng học hành đầy đủ. Cứ
tin tôi đi – nuôi trẻ con trên trạm đèn dễ như không!”
Tom trở lại với những tính toán lúc nãy: làm sao để dành được thêm chút
ít nữa, để chắc rằng có đủ mà lo áo quần, thuốc men rồi Chúa mới biết cái