người non dạ, có thể sửa được thôi nếu như cần phải sửa, nhưng bù lại là
đầu óc độc lập gần như từ thuở bé, sự can đảm của tư tưởng và tín niệm, chứ
không phải là sự nô lệ hèn hạ trước uy tín như họ... Nhưng dù sao tay người
Đức nói đúng đấy! Hoan hô người Đức! Nhưng dù sao cũng phải đè nén
người Đức. Cho dù họ giỏi về khoa học thì vẫn cứ phải đè nén họ...
– Vì sao phải đè nén họ? – Alyosha mỉm cười.
– Tôi nói bướng thế thôi, có lẽ tôi đồng ý thôi. Đôi khi tôi là đứa trẻ
khủng khiếp, và khi tôi có điều gì vui sướng thì tôi không nén được và sẵn
lòng tuôn ra những điều dớ dẩn. Này anh ạ, trong lúc tôi với anh tán chuyện
nhăng nhít ở đây thì ông bác sĩ nọ làm gì ở đấy mà lâu thế. Có lẽ ông ấy
thăm bệnh cả cho bà mẹ và cô Ninotchka liệt chân. Anh ạ, tôi thích cô
Ninotchka ấy. Đột nhiên cô ấy bỗng thì thầm với tôi lúc tôi đi ra: “Sao cậu
không đến sớm hơn?” Và nói bằng giọng trách móc ghê gớm! Tôi có cảm
giác cô ta là người tốt bụng và đáng thương.
– Đúng thế! Cậu lui tới đây rồi sẽ thấy đó là một người như thế nào.
Cậu nên biết những người như thế thì mới biết quý trọng nhiều điều khác
nữa, điều đó rất có ích, chính do quen biết những người như thế mà cậu sẽ
biết được nhiều điều khác nữa. – Alyosha hăm hở nói. – Đó là cách tốt nhất
để làm cậu thay đổi.
– Ôi, tôi rất lấy làm tiếc và tự xỉ vả mình đã không đến sớm hơn! –
Kolya thốt lên với niềm cay đắng.
– Phải, rất tiếc. Chính cậu đã thấy cậu đem lại niềm vui sướng như thế
nào cho thằng bé tội nghiệp! Nó mòn mỏi biết bao trong thời gian chờ đợi
cậu.
– Anh đừng nói nữa! Anh làm tôi khổ tâm. Nhưng đáng kiếp cho tôi:
tôi không đến là vì tự ái, thói tự ái ích kỷ, thói chuyên chế hèn hạ mà suốt
đời tôi không từ bỏ được, tuy suốt đời tôi vẫn ra sức tự rèn mình. Bây giờ thì
tôi thấy tôi là thằng đê tiện về nhiều mặt, anh Karamazov ạ.