Hình Khải trầm ngâm, chẳng trách bố anh lại đổi tên cho Hình Dục,
tên của cô ghép từ họ của bố và mẹ mà thành, bố anh rõ ràng là muốn cô
quên đi những chuyện đau buồn đã qua đó.
Từ bức ảnh trên giấy chứng nhận, anh thấy mẹ Hình Dục rất đẹp, Hình
Dục giống mẹ, trong những đường nét xinh đẹp dịu dàng còn toát lên sự
cương nghị của một quân nhân.
Hình Khải đút hai tờ chứng nhận vào lại ngăn kéo, rồi tiếp tục thò tay
lần vào sâu hơn, ngón tay chạm vào một quyển vở rất dày, anh định rút ra,
nhưng lại bị kẹp giữa khe ngăn kéo không rút ra được. Đúng lúc ấy, anh
nghe thấy tiếng mở cửa, vội vội vàng vàng để vào chỗ cũ, sau đó chạy lẩn
sang phòng đọc sách bên cạnh.
“Về… về rồi à…” Hình Khải tay với cuốn sách “Thập đại nguyên
soái”, cầm ngược mà cũng không biết. Hình Dục “ừm” một tiếng, mở cửa
phòng, đặt cặp sách lên bàn, nhưng cô ở trong phòng chưa đến một phút lại
chạy ra ngoài. Hình Khải lo lắng, cắm cúi giở sách, kiên quyết không nhìn
vào mắt Hình Dục. Hình Dục lặng lẽ đi đến trước mặt anh, Hình Khải có
cảm giác như ngày tận thế sắp đến, ra sức lảng tránh ánh mắt cô. Nhưng
đúng lúc ấy, Hình Dục nhảy một bước tới trước mặt Hình Khải, đôi mắt mở
to đầy vui sướng, bật ngón tay cái lên: “Hình Khải, anh thật lợi hại. Anh
tìm thấy đôi giày ở đâu thế?”
“…” Lúc này Hình Khải mới nhớ ra mục đích anh chạy vào phòng
người ta là để trả giày.
Anh lắp ba lắp bắp những lời đã học thuộc lòng từ trước: “Ồ! Chuyện
này kể ra cũng thật thần kỳ, người ta khi vứt rác chẳng phải để từng túi
từng túi một sao? Anh lính cần vụ đó khi đưa xe rác ra bãi rác đổ đã sót cái
túi đựng đôi giày! Sau đó thì mưa to nên anh ta quên không vứt, vừa rồi tôi
đi lấy nước nên nhìn thấy cái túi đó vẫn bị vứt lăn lóc trong góc phòng…
bỏ qua đi! Làm tôi phải căng mắt lục tung bãi rác cả mấy tiếng liền!”