“Không gì có thể so sánh được với đội hình đẹp đẽ của hạm đội Anh. Không bao giờ có thể
kẻ được một đường thẳng hơn là đường do những con tàu này tạo ra; và bằng cách đó, họ có
thể tập trung toàn bộ hoả lực vào tàu địch… Họ chiến đấu như một đoàn kị binh đang tiến lên
theo đúng điều lệnh và chỉ nhằm đẩy lui kẻ thù mà thôi, còn hạm đội Hà Lan thì di chuyển như
một đoàn kị binh rời rạc, và mỗi người tự chiến đấu một cách riêng rẽ vậy”
Chính phủ Hà Lan vừa không chịu chi tiền vừa không có tinh thần
chiến đấu, lại có thái độ thiếu thận trọng vì một loạt chiến thắng dễ dàng
trước lực lượng hải quân đã thoái hoá của Tây Ban Nha, đã để cho hải quân
của họ rơi vào tình trạng chẳng khác gì một buổi tụ hội của những chiếc
thuyền buôn có vũ trang. Thời Cromwell là thời kì khó khăn nhất của họ.
Sau những bài học nghiêm khắc rút ra từ cuộc chiến tranh này, và dưới
quyền cai trị của một ông vua tài năng, Hà Lan đã làm nhiều việc nhằm cải
thiện tình hình, nhưng họ vẫn không thể đưa được hải quân của mình lên
đến đỉnh cao cần thiết.
“Vào năm 1666 cũng như vào năm 1653”, một cây bút chuyên viết về hải quân người Pháp
nói, “vận may của chiến tranh dường như nghiêng về phía Anh. Có ba trận đánh lớn thì họ đã
giành thắng lợi quyết định hai trận; còn trận thứ ba, tuy thua, nhưng lại càng làm gia tăng vinh
quang cho hải quân của họ. Đấy là nhờ vào lòng dũng cảm đầy mưu lược của Monk và Rupert,
tài năng của một số đô đốc và thuyền trưởng, cùng với tài nghệ của thuỷ thủ và binh lính dưới
quyền họ. Những nỗ lực kiên cường và sáng suốt của chính phủ Các tỉnh hợp nhất, sự cố gắng
và vượt trội không thể phủ nhận của Ruyter, cả về kinh nghiệm lẫn thiên tư của ông trước tất cả
các đối thủ, cũng không thể bù đắp được sự kém cỏi hoặc bất lực của một số sĩ quan Hà Lan và
sự kém cỏi của những người dưới quyền ông”
.
Người Anh, như đã nói ở trên, vẫn còn cảm nhận được dấu ấn bàn tay
sắt của Cromwell đối với các định chế quân sự của mình, nhưng dấu ấn này
đang ngày càng giảm đi. Monk chết trước khi nổ ra cuộc chiến tranh tiếp
theo với Hà Lan. Rupert, một sĩ quan kị binh được đưa lên thay thế. Sự tiêu
pha phung phí của triều đình đã dẫn đến việc cắt giảm trang thiết bị của hải
quân chẳng khác gì tính keo bẩn của các vị thị trưởng (ý nói Hà Lan – ND),
sự suy đồi của triều đình chắc chắn cũng phá hoại kỉ cương chẳng khác gì