lịch sử từ năm 1660 đến năm 1783 của các quốc gia ven bờ Bắc Đại Tây
Dương, dưới góc nhìn của mình. Ở đó, trật tự giữa các quốc gia được định
đoạt trên mặt biển và bước ngoặt lịch sử được xác lập thông qua những cuộc
hải chiến. Trong tác phẩm của mình, A.T. Mahan lần lượt miêu tả sự trỗi dậy
và những thăng trầm của các đế chế hải quân châu Âu như Hà Lan, Tây Ban
Nha, Anh, Pháp, không chỉ qua những cuộc chiến tranh ở châu Âu mà còn ở
Bắc Mỹ, trong việc tranh giành các lợi ích lớn lao ở châu lục mới này. Điều
đó có nghĩa là, đằng sau sức mạnh hải quân và các cuộc hải chiến là sự thúc
đẩy mạnh mẽ của các tham vọng thương mại. A.T. Mahan thậm chí còn cho
rằng, thương mại là điểm tựa quan trọng nhất của các lực lượng hải quân, và
sự tồn tại của hải quân chỉ chính đáng khi nó bảo vệ được những lợi ích
thương mại tương xứng.
Những con tàu của nước Anh và Hà Lan đã ra khơi với một tâm thế
không có đường lui, bởi họ sẽ chết đói nếu cứ bám vào những vùng đất
nghèo nàn của mình. Lý do này cũng có thể dùng để lý giải cho vai trò quan
trọng của kinh tế biển đối với dân cư miền Trung Việt Nam, vốn không thể
khai thác được gì nhiều từ dải đất liền hẹp và bị chia cắt mạnh bởi đồi núi.
Trong khi đó, trong một thời gian dài, nước Pháp đã không chú trọng vào
hải quân, bởi họ tìm thấy rất nhiều lợi ích trên đất liền và gần như không có
nhu cầu ra khơi xa.
Sự phát triển của các ngành kinh tế biển, đặc biệt là vận tải biển, đến
một lúc nào đó, cần sự hỗ trợ của hải quân trước các nguy cơ trên biển, mà
chủ yếu là sự tấn công của các lực lượng bên ngoài. Ngược lại, kinh tế biển
cũng là chỗ dựa vững chắc về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, để duy trì lực
lượng hải quân. Tính gắn bó hữu cơ này giữa kinh tế và hải quân phải là nền
tảng cho bất kỳ một chiến lược biển hiệu quả nào. Trong cuốn sách này, A.T.
Mahan từng đặt ra cho người Mỹ một câu hỏi: Sự tồn tại của hải quân có ý
nghĩa gì khi mà hàng hoá của nước Mỹ lại do tàu nước ngoài chuyên chở?
Tuy vậy, trong các tham số tham gia vào việc định đoạt tư duy chiến
lược biển của các quốc gia, ngoài những yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý,