Bức Điện Tín
C
ũng thì là công chức mà kẻ thì ngự xe hơi, kẻ thì cọc cạch chiếc xe
đạp. Ấy thế mà người đi chiếc xe đạp tập tàng lắm khi đi làm còn đúng giờ
và đều đặn hơn mấy người chễm chệ trên xe hơi hay là phóng ào ào trên xe
gắn máy. Trong đám công bộc lãnh lương vào hàng khiêm tốn nhất của
Quốc gia này, người dân đô thành không thể quên được việc làm đứng đắn
của mấy ông bưu tá. Ai kia có nghỉ bữa nào cũng chẳng sao, chứ vắng mấy
ông này là người ta thấy nhớ. Là vì ngày ngày, cứ đúng hai giờ rưỡi chiều,
người ta lắng chờ mấy tiếng kêu quen thuộc:
- Số 7 ra lấy thư!… Số 14 ra lấy thư!... Số 21 ra lấy thư…
Và chiều nay, cũng vừa đúng hai giờ rưỡi, có tiếng cất vang:
- Số 13 ra lấy thư!...
Cửa xếp mở toang ra như có phép thần. Ông bưu tá giật mình, không
ngờ có người ngóng thư chăm chỉ đến mức ấy.
- Có điện tín đó cô! – người công chức nói.
- Vâng, tôi biết! – một cô gái tuổi trạc 25, 26 bước ra đáp.
- Người nhận là ông Chí, Lý Quý Ý Chí.
- Anh tôi đi khỏi có dặn tôi lãnh giùm. Ông làm ơn…
- Được. Cô ghi căn cước vào cột này nghe!
Cô gái đỡ lấy cuốn sổ, ngẩng nhìn viên bưu tá, hỏi:
- Sao lần này khó thế ông? Mọi bữa ông cho ai ký giùm cũng được mà!
- Đâu có! Cô bác ở đường này tôi quen mặt biết tên hết nên không sợ
lầm lẫn. Nhưng cô, xin lỗi, cô mới tới đây nên phải theo đúng thể lệ. Chỉ
một lần đầu thôi, lần sau khỏi cần… Đó là vấn đề nguyên tắc, xin cô thông
cảm. Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi bị rắc rối, đơn khiếu nại tùm lum, chỉ
vì không giao các điện tín hay thư bảo đảm vào đúng tay người nhận.