Tuy nhiên, xin đừng có cho rằng quan điểm này khiến cho lời dạy tình
thương yêu của đạo đức Kitô giáo phải rơi vào tình trạng không có tác dụng trên
thực tế, hạn chế phạm vi tác động của nó chỉ ở trong trạng thái nội tâm của tinh
thần. Toàn bộ ý nghĩa thực tiễn của lời dạy hoàn thiện đạo đức sẽ được làm sáng
tỏ ở phần dưới tiếp sau. Ở đây chỉ cần nhận xét một sự kiện quan trọng và không
thể bác bỏ là đủ: không có những tác động bên ngoài nào, dù có chứa đựng nhiều
cái ác đến đâu đi nữa, mà lại tác động thật phá hủy cho bằng chính tinh thần thù
hận. Thay cho nhiều ví dụ - một ví dụ đặc biệt mang tính thời sự: loài người hẳn
đã sớm và dễ dàng hoàn hồn tỉnh ngộ lại sau những tàn phá bởi cuộc chiến tranh
1914-1918, nếu giả sử như tinh thần thù hận tích tụ lại trong thời gian đó, lòng
giận dữ và khao khát trả thù không đầu độc toàn bộ đời sống kinh tế và chính trị
suốt những thập kỉ sau đó. Cái kết quả của tinh thần thù hận ấy, chính là cuộc
chiến tranh thứ hai vừa xảy ra, là cuộc chiến tranh kinh khủng hơn nhiều, gieo
xuống vô số những hạt giống thù hận và khao khát trả thù. Với tất cả tính thánh
thiện của một số những chuẩn mực cơ bản của lề luật hay “quyền tự nhiên” trong
ý nghĩa tiên khởi của từ ngữ, các khái niệm thiện và ác chỉ có thể áp dụng được
đối với kết cấu tinh thần của hiện hữu nội tâm, đối với trạng thái đạo đức của
con người. Nếu chúng ta thay thế từ ngữ mơ hồ “ý chí” bằng những khái niệm ấy
của kết cấu hiện hữu nội tâm, chúng ta sẽ phải đồng ý với xét đoán của Kant
(trong mối quan hệ này thì trùng khớp với ý nghĩa của sự thật Kitô giáo): “Ngoài
ý chí của con người ra thì không có gì trên cõi đời này lại có thể gọi là thiện hay
ác được”.
Chúng tôi xin nhắc lại: chúng tôi hiểu rõ rằng định hướng này ẩn chứa trong
đó nguy cơ bị lạm dụng và dễ trở thành cám dỗ. Tất nhiên người ta sẽ nhắc nhờ
chúng ta về “các đức cha thánh thiện” của tòa án chống dị giáo tra tấn các nạn
nhân của mình và thiêu họ trên giàn hỏa, quả quyết (mà cũng có thể trong ý nghĩa
nào đó thậm chí chân thành tin tưởng), rằng vẫn tiếp tục thương xót và yêu mến
họ. Nhưng một lần nữa buộc phải lưu ý rằng việc chỉ ra nguy cơ lạm dụng không
phải là bác bỏ thực chất, và rằng tính vô hình, tính thầm kín của sự thật Kitô giáo
đem lại khả năng nhiều nhất cho việc xuyên tạc báng bổ nó. Phải bổ sung thêm
vào lời rào đón chung ấy rằng, dù cho tính dị dạng đạo đức của tòa án chống dị
giáo có lớn đến đâu đi nữa, - một cách tương đối nó dù sao vẫn có ưu thế hơn so
với một số học thuyết đương đại rao giảng hủy diệt con người vì lòng thù hận và
thái độ khinh miệt họ. Việc xuyên tạc sự thật có ý thức hay giả dối, gây phẫn nộ
đạo đức trước tình trạng tội lỗi của bàn chất con người, thế nhưng việc phủ định