cả những cản trở đối với việc thực hiện nghĩa vụ. Trong ý nghĩa khái quát ấy quả
thực có hiệu lực nguyên tắc thể hiện theo công thức Pháp: fais ce que dois,
advienne ce que pourra. Tiếng nói của lương tâm - mệnh lệnh tối cao của ý chí
thần thánh toàn năng theo lí tưởng - đòi hỏi tuân phục tuyệt đối, nên vì vậy mà
không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện thường nghiệm nào.
Làm thế nào để kết hợp tính tối cao tuyệt đối ấy của bổn phận đạo đức với
mối tương quan đã được chúng tôi làm sáng tỏ ở trên, mà theo đó thì đời sống
đạo đức, trong khi phản ánh lại trên bản thân mình tính lưỡng phân bản thể luận
giữa ánh sáng Thần thánh và bóng tối trần gian, cũng tự nó tách đôi ra ở bên
trong, sao cho từ cái phía mà nó vốn là hoạt động ở cõi trần gian, thì nó phải tính
đến tính chất tội lỗi của cõi trần gian và mang đặc tính của một thỏa hiệp nào đó,
tự mình cũng phải chịu tội lỗi? Chúng ta đã thấy ở trên: tính tất yếu đồng tham dự
vào tình trạng tội lỗi của cõi trần gian, nhận về mình tội lỗi ấy, nhất thiết không
phải là biểu hiện của tình trạng yếu đuối, tựa hồ như tình trạng nhũn nhão và
nhượng bộ của ý chí đạo đức, mà ngược lại, chính là kết quả của việc tuân thủ
tuyệt đối khắc nghiệt đầy cứng rắn trách nhiệm đạo đức, tức là thực hiện nghĩa vụ
đạo đức. Chính tính nghiêm khắc đạo đức, đi theo tiếng nói lương tâm không hề
thỏa hiệp, theo mệnh lệnh của Thượng Đế, đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh tích
cực và có hiệu quả với cái ác trần gian - cuộc đấu tranh mà điều kiện của nó có
thể buộc chúng ta phải hi sinh nguyên tắc hoàn hảo cá nhân của bản thân. Ở bên
ngoài của việc tính đến theo cách thức biện chứng của nghĩa vụ đạo đức mà vốn
tự nó buộc chúng ta trong những điều kiện nhất định phái hi sinh thanh sạch cá
nhân và “nhận lấy tội lỗi vào linh hồn mình”, - ở bên ngoài ý thức ấy vốn cho
rằng nghĩa vụ đạo đức suy đến cùng không phải là nghĩa vụ thanh sạch, mà là
nghĩa vụ tình thương yêu, - [ở trong tình trạng như thế thì] thái độ kiên định đạo
đức, tính nghiêm khắc đạo đức tự nó suy thoái thành tình trạng đối lập lại - biến
thành thói tự mãn kiểu Pharisees, thái độ vô cảm và thói vị kỉ.
Nói cách khác, như vậy cuộc sống đạo đức như nó là thế, theo các động cơ
và tiêu chí riêng bên trong của nó, hay là theo các giá trị chỉ đạo cho nó - đứng
trước tính lưỡng phân giữa Thượng Đế và cõi trần gian - có một cấu trúc kép
mang tính nội tại đặc trưng riêng cho nó. Ở bên ngoài điều này thì không thể nào
hình dung được luận điểm cho rằng thực hiện hành vi tội lỗi, hủy hoại tính thanh
sạch và thánh thiện cá nhân, hóa ra lại chính là thực hiện nghĩa vụ đạo đức.