của cái ác, reo rắc phá hủy cho cõi trần gian; thế nhưng mọi sáng tạo đạo đức tích
cực là công việc của ân phúc, tác động chỉ ở trong tự do và thông qua tự do. Lãng
quên chân lí ấy là tội lỗi lớn nhất mà Kitô giáo lịch sử đã rơi vào trong thời gian
nhiều thế kỷ, là ngọn nguồn tình trạng yếu ớt của nó cũng như của toàn bộ phe
đối lập chống lại nó. Vì rằng tôn trọng thực thể tự do nội tâm của con người là
biểu hiện tất yếu của tình thương yêu chân chính đối với con người - lời dạy bảo
trung tâm ấy của Kitô giáo.
Lập luận lí thuyết giáo điều cho định hướng đạo đức ấy bao hàm ở trong
luận điểm ghi nhận ở trên, ấy là tạo vật - con người và cõi trần gian, - như là thế,
không phải là vương quốc của bóng tối, mà ngược lại, ở trong cơ sở tiên tạo của
mình chính là ánh sáng, - ánh sáng phản chiếu, - cũng giống như ngọn nguồn tiên
khởi Thần thánh của mình, chỉ “rạng chiếu trong bóng tối”, tức là ở trong thành
phần hiện hữu thường nghiệm buộc phải chịu đối kháng của những sức mạnh đen
tối, vốn tạo thành giống như lớp vỏ của hiện hữu trần gian. Kitô giáo, trong tư
cách là tôn giáo Thần-nhân, không những không phải là Mani giáo hay là thuyết
ngộ đạo, mà cũng không phải là thuyết hữu thần trừu tượng, chỉ biết đến Thượng
Đế siêu việt, siêu trần gian và giả định một vực thẳm không thể vượt qua giữa
Đấng sáng tạo và tạo vật; Kitô giáo - tôn giáo hiện thân Thượng Đế - theo chính
thực chất của mình là phiếm thần luận - thừa nhận cội rễ con người và cõi trần
gian (trong thực chất tiên khởi có chiều sâu của chúng) ở trong Thượng Đế, [thừa
nhận] hiện diện nội tại của các sức mạnh thần thánh, năng lượng của thực thể
Thần thánh ở trong bản thân tạo vật. Thừa nhận tính siêu việt của Thượng Đế
trước cõi trần gian và tính lưỡng diện giữa Ánh sáng thần thánh và bóng tối của
thời đại này, được kết hợp ở trong đó với quả quyết - phù hợp với công thức dũng
cảm nhưng thật sắc bén vàchính xác của Nicolaus Cusanus - “tính thống nhất của
Đấng sáng tạo ở trong Đấng sáng tạo và trong tạo vật”. Chỉ có định hướng này
đem lại cơ sở vững chắc cho kết hợp chủ nghĩa cấp tiến tôn giáo - niềm tin vào
tính tối cao của sự thật Thánh thần trước mọi sức mạnh của cõi trần thế này - với
chủ nghĩa hiện thực tôn giáo, với thái độ khoan dung đầy tình thương yêu đối với
tính thiêng liêng của hiện hữu con người và hiện hữu trần gian, dẫu có bị mờ tối
và méo mó bởi các sức mạnh tội lỗi. Định hướng này chống lại như nhau đối với
thái độ vô cảm lạnh lùng nhỏ nhen trước cái ác, sẵn sàng tuân phục theo các sức
mạnh ác của chốn trần thế, cũng như chống lại thái độ cuồng tín điên cuồng mà ở
đó mộng mơ cứu độ trần gian suy đồi thành thái độ căm ghét và khinh miệt đối
với bản chất cụ thể của con người và cõi trần gian, suy đồi thành khát vọng phản-
tự nhiên nhằm cứu độ chúng, nô dịch và tiêu diệt chúng.