chúng tôi đã nói tới ở trên, không hề làm suy yếu tính tích cực Kitô giáo, mà còn
chính là điều kiện cần thiết và là kích thích tố tự nhiên, lành mạnh cho nó. Chủ
nghĩa hiện thực Kitô giáo không những không dẫn đến tính thụ động, mà ngược
lại, đòi hỏi độ căng thẳng tối đa của tính tích cực đạo đức. Chỉ ở đâu mà chúng
ta không làm suy yếu ý chí của mình bằng “chính sách con đà điểu”, mà dũng
cảm nhìn thẳng vào những hiểm nguy và khó khăn ở cuộc sống của chúng ta, ý
thức rõ ràng những mục đích tính tích cực của chúng ta và các hình thức mà
chúng có thể được thực hiện ở trong đó trên thực tế, - chúng ta mới có được nền
tảng đạo đức chân chính cho tính tích cực mạnh mẽ và căng thẳng. Sức mạnh đạo
đức lấy được ở đây không phải từ những ảo tưởng tất yếu thật mong manh, không
phải từ việc tô vẽ giả tạo toàn màu hồng cho hiện thực thường nghiệm, mà từ
ngọn nguồn chân chính của Sự thật siêu trần gian vĩnh viễn không bao giờ cạn
mà chúng ta ý thức mình là người đồng tham dự, - từ sức mạnh Cao cả, đích thực
toàn năng trong thành phần tinh thần của chúng ta, mặc dù ở trong bộc lộ
thường nghiệm con người của mình và ở trong thành phần của chính cõi trần
gian, chúng ta buộc phải đấu tranh với các sức mạnh thù địch với nó của “cõi trần
gian này”. Tính tích cực đạo đức đích thực lành mạnh là như vậy: kết hợp sức
mạnh vô tận của niềm tin cùng với việc tính đến hiện thực thật hợp lí, - tính tích
cực đầy dũng cảm của người phụng sự Thượng Đế, của tình thương yêu, không
chỉ ở bề ngoài mà còn ở bên trong nữa, người như thế chẳng cần phải là một Don
Quichote để làm một hiệp sĩ dũng cảm và không biết mệt mỏi ở cõi trần gian này.
Tính tích cực Kitô giáo theo thực chất là tính tích cực anh hùng. Đó là tính tích
cực của những đứa con của Ánh sáng ở trong vương quốc của bóng tối, biết kết
hợp niềm tin không lay chuyển vào sứ mệnh cao cả cùng với ý thức rõ ràng về sự
hùng mạnh của cái ác ở cõi trần gian - sức mạnh của chúa tể cõi trần gian này mà
họ được hiệu triệu đấu tranh với nó, và cùng với ý thức tinh táo về tình trạng
không hoàn hảo của bản thân mình.
“Ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối”. Điều này không chỉ có nghĩa rằng nó
rạng chiếu chính ở trong bóng tối vốn không tiếp nhận nó và ngoan cố trước nó,
cho nên nó không đủ sức xua tan triệt để bóng tối hay soi sáng cho nó. Điều này
đồng thời cũng có nghĩa rằng nó đang rạng chiếu trong bóng tối, rằng bóng tối
không đủ sức khắc phục nó; trong khi sống trong bóng tối, chúng ta không những
có thể tự an ủi bằng việc đang ở trong chất liệu ánh sáng thần thánh siêu trần
gian, mà còn có thể trông đợi ở sức mạnh soi sáng đầy sáng tạo của nó ngay ở
trong thành phần của chính cõi trần gian, vì vậy mà chúng ta cũng có nghĩa vụ