Năm 1908 S. Frank lập gia đình, ông chọn công việc giảng dạy và nghiên
cứu triết học như chí hướng đời mình. Năm 1912 ông trở thành Phó giáo sư của
Đại học Saint Petersburg, năm 1921 ông trở về Moskva - thành phố tuổi thơ của
mình.
Trong hoạt động văn hóa ông gần gũi với E B. Struve, một triết gia - nhà
hoạt động cách mạng. Ông hợp tác chặt chẽ với N. Berdyaev và S. Bulgakov
trong tạp chí Con đường mới và Những vấn đề của cuộc sống.
Năm 1922 S. Frank bị trục xuất khỏi nước Nga cùng với một nhóm đông các
nhà bác học, nhà văn và triết gia nổi tiếng trên chuyến tàu lịch sử được gọi là
“chuyến tàu triết học”. Trong những năm tháng sống lưu vong ông giảng dạy ở
Berlin; năm 1937 ông bị chế độ phát xít đuổi khỏi nước Đức. Ông sang Pháp. Sau
chiến tranh ông được phép nhập cư vào nước Anh, và sống ở London cho tới khi
mất (1950).
Bề ngoài cuộc sống của S. Frank không có vẻ gì của một nhân vật sáng chói,
mặc dù số phận đưa đẩy ông vào những biến cố lớn lao của đời sống văn hóa và
xã hội của nước Nga trước cách mạng cũng như của giới kiều dân Nga sau cách
mạng. Ông luôn luôn tập trung vào những vấn đề của cuộc sống tinh thần nội
tầm. Chính điều này khiến ông trở thành một trong những triết gia Nga sâu sắc
nhất.
Tác phẩm Ánh sáng trong bóng tối được đánh giá là công trình có giá trị
nhất của S. Frank, tổng kết nhiều suy tư của ông về trải nghiệm đạo đức Kitô giáo
và triết học xã hội. Nhan đề của tác phẩm được lấy từ một câu trong Phúc Âm
của vị tông đồ Yoan, điều này khiến cho nhiều người có thể lầm tưởng đây là một
luận văn thần học. Tuy nhiên, ngay trong Lời nói đầu S. Frank đã minh định tác
phẩm của mình như sau:
“Qua vẻ bề ngoài, suy tưởng của tôi có tính cách của một luận văn thần
học. Tôi muốn cảnh báo bạn đọc rằng. - không biết chuyện này là tốt hay xấu - vẻ
bề ngoài ấy không hoàn toàn phù hợp với thực chất bên trong tư duy của tôi.
Thực ra toàn bộ phát triển trí tuệ cũng như tinh thần của tôi đã dẫn đưa tôi đi
đến, không chỉ có đánh giá cao tư duy Kitô giáo truyền thống, mà còn thừa nhận
tính chân lí tuyệt đối ở khải huyền của Đức Kitô; tôi đã đi đến niềm tin chắc rằng
tất cả mọi tai họa của nhân loại suy đến cùng đều có nguồn gốc từ tình trạng
tách rời của nhân loại khỏi truyền thống Kitô giáo, - tình trạng tách rời xảy ra đã
từ lâu và mỗi lúc càng lún sâu hơn nữa, và rằng tất cả những hoài vọng cao cả
nhất của loài người đã được suy xét kĩ, đều chỉ là những biểu hiện của những đòi
hỏi lương tâm Kitô giáo vốn có từ xa xưa.