“Tin mừng” mà Đức Jesus Kitô mang đến, trong quan hệ với niềm mơ ước
truyền thống ấy về “vương quốc Thiên Chúa”, bao gồm trước hết đơn giản là ở
trong thông báo về việc đến gần của vương quốc đó, là ở trong chỉ dẫn rằng việc
gần tới ấy tựa như chỉ cần chờ đợi ngày một ngày hai. Hơn thế nữa, ở trong xuất
hiện của Đức Jesus Kitô và những hành động thần kì của Người, thì vương quốc
của Thượng Đế ở trong phôi thai đầu tiên của nó, tựa hồ như đã đến rồi, “đã tới
được” với dân chúng Do Thái. Mặc dù thời gian của thắng lợi hoàn toàn và sự
hoàn tất rõ ràng còn chưa ai được biết, ngoài chính Người Cha ở trên Trời, nhưng
cần phải sống bằng ý thức về sự cận kề của nó, ý thức rằng việc thực hiện nó đã
bắt đầu rồi.
Tuy nhiên, giả sử như (giống như một phương hướng mới đây của thần học
Tin lành Đức muốn chứng minh) thông báo ấy về sự cận kề của “vương quốc
Thiên Chúa”, phương hướng “tận thế” ấy vắt kiệt hết ý nghĩa của “tin mừng”, thì
hẳn là chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng đối với chúng ta và thời đại hiện
nay, nó chẳng có ý nghĩa hiện thực nào hết; khi đó hẳn nó sẽ chỉ là đối tượng cho
nghiên cứu lịch sử như một kiểu mẫu đáng chú ý nơi hoài vọng đầy ảo tưởng của
con người. Không thể loại bỏ sự kiện không sao bác bỏ được, rằng việc đến gần
ấy được hiểu theo nghĩa đen, tức là được đo bằng các thời hạn của con người,
hóa ra là một ảo tưởng. Diễn giải như thế về “tin mừng” hiểu một cách trừu
tượng hẳn sẽ tương đương với phủ định tôn giáo - thú nhận rằng chúng ta giờ đây
không còn có thể tin vào “tin mừng”, tức là chúng ta không thể có đức tin Kitô
giáo được nữa.
Tuy nhiên, trên thực tế sự tình hoàn toàn không phải như vậy. Lời rao giảng
về việc đến gần của “vương quốc Thiên Chúa” chỉ là một yếu tố bộ phận của một
tin mừng quan trọng hơn nhiều về chính phương cách hay là đặc tính của việc đi
đến đó. Và chính ở trong thời khắc này mà “tin mừng” do Đức Jesus Kitô đem
lại, thôi không còn là đối tượng của thái độ tò mò và hiếu kì mang tính lịch sử vô
tích sự nữa, mà ít nhất cũng đã đụng chạm đến những sợi dây đàn nào đó vang
lên trong chính trái tim của chúng ta.
Vấn đề là như sau. Trong toàn bộ chiều rộng phạm vi biến tấu của ý tưởng
truyền thống ở Cựu Ước về “vương quốc Thiên Chúa” - đi từ hoài vọng thuần túy
mang tính chính trị-dân tộc tới được niềm tin vào cải biến hoàn toàn trong tương
lai và cảnh tượng rạng sáng của trần gian - ý tưởng ấy dù sao vẫn còn là mơ
tưởng về một sự kiện nào đó trong thế gian bên ngoài - mơ ước về điều gì đó siêu
việt trong tương quan với tất cả những gì đang có ở trong sở hữu của con người,
hay là điều gì đó sẽ tạo nên một cơ sở không thay đổi ở hiện hữu của con người.