“Vậy anh bảo em phải làm sao? Trách xưởng trưởng của nhóm ấy hay là
nhóm trưởng? Họ cũng có làm sai đâu. Em đã nhận lời anh, ngoài những
người gây chuyện xấu cho công ty ra thì sẽ không bao giờ đuổi bất cứ nhân
viên cũ nào. Em cũng có nuốt lời đâu, là do bác ấy không thích ứng được
tình thế hiện nay, chủ động yêu cầu đi đấy chứ.”
“Cũng đâu đến nỗi không còn cách nào khác. Bác ấy không làm được
việc ở xưởng thì đổi cho vị trí khác. Giang Nguyên lớn như vậy, chẳng lẽ
không có công việc nào sắp xếp cho bác ấy ư? Hướng Viễn, để bác ấy quay
về đi, anh nói thì bác ấy sẽ nhận lời thôi. Bác ấy đã lớn tuổi rồi, không còn
cạnh tranh nổi với người trẻ, giờ mất việc thì chẳng biết dựa vào đâu.”
“Giang Nguyên sắp xếp cho bác Trần một công việc là chuyện nhỏ
nhưng liệu bác ấy có chịu làm ở những vị trí đó hay không? Nếu em phá lệ,
một Trần Hữu Hoà nữa xuất hiện thì phải làm sao? Người ta sẽ nghĩ gì? Đã
sắp xếp cả rồi thì cái cách đó còn ý nghĩa gì?”.
Diệp Khiên Trạch nhất thời nghẹn giọng nhưng vẫn không từ bỏ ý định
đấu tranh cho Trần Hữu Hoà: “Bác ấy khác. Bác ấy là bạn thân của nhà
anh, chúng ta không thể đối xử với bác ấy như thế được”.
“Anh xem anh kìa, chỉ biết lo nghĩ cho người khác, nói đến môi khô nứt
ra cũng chẳng biết. Uống chút nước đi”. Hướng Viễn nhẹ nhàng đẩy nước
đến trước mặt Diệp Khiên Trạch, thấy anh hớp một ngụm mà vẫn lơ đãng
thì đành nói tiếp: “Nói đến tình bạn với Trần Hữu Hoà, Diệp Khiên Trạch
chẳng lẽ trong lòng bố anh không biết rõ hơn anh sao? Đơn từ chức là do
chính tay ông ký, anh biết vì sao không? Việc gì cũng có quy tắc của nó,
mà quy tắc đều bình đẳng với mọi người. Với đạo nghĩa của tình bạn, có
thể giúp bác ấy ngoài quy tắc nhưng với lập trường của công ty thì hãy để
bác ấy đi. Công ty giờ đang phát triển, mỗi khi đi một bước đều phải trả
giá. Không phá cái cũ thì không xây cái mới được, đó là nguyên nhân em
không giữ bác ấy. Nếu anh thấy em sai thì có thể mời bác ấy quay lại nhưng
anh phải nghĩ xem anh có làm đúng không?”.