"Em đi đâu?" Lại một câu hỏi, người nói đã vượt lên khẽ kéo cô lại, là
Diệp Khiên Trạch. "Sao thế?", anh không che giấu được vẻ quan tâm.
Hướng Viễn cười nói: "Em vào nhà vệ sinh".
Hướng Viễn vào nhà vệ sinh nữ ở một góc sảnh tiệc để rửa mặt. Nước
trên mặt chưa kịp khô, Hướng Viễn đã có một cảm giác rất lạ khiến cô quay
phắt lại: "Anh là ai?".
Người luôn bám theo Hướng Viễn như hồn ma cuối cùng đã lộ diện. Đó
là một gương mặt đàn ông xa lạ, khoảng hơn ba mươi tuổi, những nếp nhăn
trên gương mặt hằn rõ vẻ mệt mỏi và bi thương của những người lao động
tầng lớp thấp nhất trong xã hội, và cả vài phần bất mãn lẫn giận dữ, trang
phục cũng khá chỉnh tề nhưng tuyệt đối không phải là khách mời của buổi
tiệc đêm nay, cũng không hề giống công nhân viên trong công ty.
Trước khi Hướng Viễn nhớ ra người này thì cô đã nhớ ra đôi mắt tràn
đầy vẻ ác ý và căm hận đó. Cô không hề quên hôm mình đại diện Diệp gia
và Giang Nguyên đến thắp nén nhang cho người nhân viên cũ Trần Hữu
Hòa, chỉ trong một đoạn đường ngắn ngủi đi ngang linh đường, cô luôn bị
nỗi oán hận ấy bao vây lấy. Nếu không vì nỗi đau mất đi người thân đột
ngột và sự bất lực tạm thời đã đè nén sự thù địch thì cô không hề nghi ngờ
rằng, lúc ấy gia đình Trần Hữu Hòa sẽ trút hết tất cả những phẫn nộ và căm
ghét lên người cô.
Bi kịch nào cũng cần có một người đóng vai kẻ ác để chịu việc bị người
đời ghét bỏ, nếu không những nhân vật chính đau khổ làm sao có được tình
cảm sâu sắc khi không trải qua thử thách do kẻ ác gây ra? Trần Hữu Hòa là
trụ cột kinh tế của gia đình năm người, bỗng dưng ra đi như vậy, tuy tiền hỗ
trợ đã đến tay nhưng người nhà ông ta chắc chắn không cam lòng. Họ nghĩ
rằng Trần Hữu Hòa chết vì tai nạn xe là do tinh thần suy sụp khi bị thất
nghiệp mà người đẩy ông ta ra đường chính là Diệp gia, là Hướng Viễn.
Còn về những người bạn công nhân đã nảy sinh mâu thuẫn với ông, cả