chào đời thì Leblanc mới bắt đầu nổi danh trên văn đàn thế giới. Chính
Arsène Lupin, tên trộm lịch lãm lạ đời ấy đã khiến cho Leblanc bận rộn suốt
30 năm tiếp theo để viết về những cuộc phiêu lưu kỳ thú của hắn.
Arsène Lupin ra đời trước hết là nhờ lòng “tự ái dân tộc” của Pierre
Lafitte, người bạn thân của Leblanc đồng thời là chủ bút tập san mang tên
“Gì cũng biết”. Số là Pierre Lafitte ấm ức vì dân chúng Pháp bấy giờ cứ mải
mê theo dõi các cuộc điều tra của thám tử Sherlock Holmes diễn ra tận xứ sở
sương mù. Ông thấy rằng “Gì cũng biết” (khi ấy vừa mới ra đời) cần có một
nhân vật hấp dẫn kiểu như Sherlock Holmes nhưng mang bản sắc dân tộc
Pháp thủ vai chính cho những câu truyện nhiều kỳ để thu hút độc giả. Và
ông đã chọn Leblanc để giao trọng trách này. Vậy là Arsène Lupin lần đầu
tiên xuất hiện trong câu chuyện có tựa đề “Arsène Lupin bị tóm cổ” vào năm
1905 trên tập san “Gì cũng biết”.
Tuy nhiên, thay cho một nhân vật chuyên điều tra các vụ trộm kiểu như
Sherlock Holmes, Leblanc đã sáng tạo ra một nhân cách hoàn toàn đối
nghịch - một kẻ lêu lổng chuyên nghề đạo chích. Ban đầu Leblanc còn tinh
nghịch gọi nhân vật của mình là Arsène Lopin - giống tên một vị ủy viên hội
đồng thành phố Paris khét tiếng lúc bấy giờ. Nhưng sau này ngài Lopin thật
đã lên tiếng phản đối dữ dội nên ông đành đổi “Lopin” thành “Lupin”.
Leblanc cũng chơi chữ để nhạo báng đồng nghiệp người Anh của mình là
Conan Doyle qua tiêu đề các tập truyện “Holmlock Shears đến trễ quá!”
(1907), “Arsène Lupin đụng đầu Holmlock Shears” (1908). Không những
thế, trong các truyện này, Leblanc còn cho tên trộm láu lỉnh của mình dùng
mưu mẹo để lòe nhà thám tử lừng danh người Anh.
Tên trộm của Maurice Leblanc kỳ quái ở chỗ hắn chỉ trấn lột tài sản của
nhà giàu, còn với những người tủi cực, những kẻ bị truy nã, thì hắn lại tỏ ra
rất hào hiệp và luôn bênh vực họ. Nói chung hắn là người “đứng về phe
nước mắt”. Trong bối cảnh xã hội Pháp đang khủng hoảng lúc ấy, phong
cách “hảo hán” của Lupin đã đánh trúng tâm lý giới bình dân đang sống
trong cảnh cơ hàn và hay bị ức hiếp. Lupin lập tức được lòng quần chúng và
khiến họ say sưa theo dõi những kỳ tích của hắn trên từng trang báo.