hiệu của quân khởi nghĩa. Tôn Dật Tiên kịp thời trốn sang Ma Cao, và dùng
thuyền chạy sang Hương Cảng.
Số phận những người bị bắt thật là thê thảm. Họ bị trừng phạt theo luật lệ
khắt khe của nhà Thanh. Nhiều người bị chém đầu; một số khác phải chịu
những cái chết đau đớn hơn: bị đánh 600 roi cho đến chết hoặc bị xẻo từng
mảnh thịt cho đến chết.
Tuy thế, cuộc khởi nghĩa thất bại cũng đem lại danh tiếng lớn lao cho Tôn
Dật Tiên, một người được coi là tượng trưng cho công cuộc lật đổ nhà Mãn
Thanh. Trong suốt 16 năm sau đó, Tôn Dật Tiên phải lẩn trốn từ nước này
sang nước khác, tìm mọi cách trốn tránh sự truy nã của các tay ám sát bắt
cóc cừ khôi của nhà Thanh. Tống Giáo Nhân đã đóng góp rất nhiều cho
công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên bằng cách cung cấp tiền bạc cho
Tôn Dật Tiên và các tổ chức bí mật của Tôn Dật Tiên.
Trong thời gian này, Tôn Dật Tiên tổ chức thêm vài cuộc khởi nghĩa nữa,
nhưng đều thất bại. Năm 1900 cuộc nổi loạn của Nghĩa Hòa Đoàn chống lại
tây phương thất bại. Liên quân tây phương tiến vào Bắc Kinh, và Từ Hy
thái hậu và vua Quang Tự phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Sự nhục nhã của
Trung hoa trước sức mạnh của tây phương đã đến chỗ cùng cực. Nhiều sinh
viên trốn qua Nhật, tìm học thuật quân sự và khoa học của Nhật Bản để rửa
nhục. Tất cả đều quy tụ quanh Tôn Dật Tiên, coi ông như một nhà cách
mạng duy nhất có thể quang phục được nước Trung Hoa. Tôn Dật Tiên
nắm lấy thời cơ, thuyết phục các phe nhóm chống lại nhà Thanh đoàn kết
với ông, và lập thành một tổ chức duy nhất, gọi là Đồng Minh Hội do ông
lãnh đạo.
Cuộc đại hội của Đồng Minh Hội tổ chức ngày 30-7-1905 tại Đông Kinh.
Tống Giáo Nhân cũng từ Thượng Hải tới tham dự, và được đại hội cử giữ
nhiệm vụ lo tài chánh cho hội, vì mọi người biết Tống Giáo Nhân có nhiều
liên hệ với giới tài phiệt Hoa Kỳ. Tống Giáo Nhân có bổn phận tìm ra tiền
cho hội có phương tiện hoạt động. Đồng Minh Hội đã chọn đúng người.
Thành quả của cuộc cách mạng Trung Hoa phần lớn do công lao tài chánh
của Tống Giáo Nhân.