Tống Giáo Nhân có vẻ yêu thích Tống Ái Linh hơn cả, có lẽ vì Tống Ái
Linh và ông bố rất giống nhau ở hai điểm là rất thực tế và yêu tiền. Ái Linh
rất thông minh nhanh nhẹn, và đã trở thành người phụ tá đắc lực cho Tống
Giáo Nhân. Các hoạt động tài phiệt của Tống Giáo Nhân bành trướng rất
nhanh chóng, và cần phải có người thân tín tin cẩn được để giao phó cho
một phần công việc. Tống Ái Linh chính là người Tống Giáo Nhân rất cần.
Và cũng chính trong thời gian làm việc với bố mà Tống Ái Linh học hỏi
được nhiều kinh nghiệm quý báu để sau này trở thành một người đàn bà có
ảnh hưởng rất lớn, lũng đoạn thị trường Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20.
Trong lúc tài sản nhà họ Tống ngày một thịnh vượng thì vương khí nhà
Mãn Thanh ngày một tàn lụi. Người Trung Hoa tin rằng một triều đại tồn
tại được là nhờ có Thiên Mệnh, hay Lòng Trời còn tựa. Khi Thiên Mệnh
không còn nữa, tức là khi Lòng Trời đã bỏ, thì triều đại đó sẽ sụp đổ. Đến
đầu thế kỷ 20 thì Thiên Mệnh của nhà Mãn Thanh đã mất, và triều đại này
đang đi vào mạt vận. Thực ra thì các triều đại vua chúa của Trung Hoa chỉ
kéo dài được vài trăm năm rồi lại có một triều đại mới thay thế. Đến đầu
thế kỷ 20 thì nhà Mãn Thanh đã cai trị Trung Hoa được gần ba thế kỷ, một
thời gian khá dài cho một triều đại quân chủ.
Tháng 11-1908 Từ Hy Thái Hậu từ trần sau một nửa thế kỷ thao túng chính
trường Trung hoa. Từ Hy thay mặt con trai là vua Đồng Trị và cháu là vua
Quang Tự cai trị nước Trung Hoa. Vua Quang Tự là một nhà vua sáng suốt,
dự định cải tiến đất nước theo đường lối tây phương và loại bỏ Từ Hy Thái
Hậu. Nhưng Viên Thế Khải được vua Quang Tự giao cho thi hành kế hoạch
thì phản lại nhà vua, tố cáo tất cả âm mưu của vua Quang Tự cho Từ Hy
Thái Hậu, do đó Từ Hy Thái Hậu kịp thời bắt vua Quang Tự giam vào một
hòn đảo nhỏ bên trong Cung Điện Mùa Hạ, và chiếm quyền của vua Quang
Tự. Trước khi chết, Từ Hy Thái Hậu vẫn còn đủ thời giờ sai người đầu độc
vua Quang Tự trước. Từ Hy sợ rằng sau khi mình chết rồi, Quang Tự sẽ
được trở lại vương quyền và làm những gì Từ Hy không ưa thích.