Nguyễn Vạn Lý
Ba Chị Em Nhà Họ Tống
Chương 9
Vai Trò Của Borodin Tại Trung Hoa
Sau khi bị sứ quân Quảng Đông lật đổ, Tôn Dật Tiên trở về Thượng Hải
nằm liếm vết thương chờ thời. Đang cơn túng quẫn bị nhiều người xa lánh
vì việc sứ quân Quảng Đông công bố tài liệu hợp tác với cộng sản Nga, và
không biết xoay trở cách nào thì phái bộ Nga sô do Joffe cầm đầu tìm đến.
Tôn Dật Tiên và phái bộ Nga sô thảo luận nhiều ngày liên tiếp, tìm phương
thức hợp tác. Joffe cố thuyết phục Tôn Dật Tiên rằng Nga sô không có
tham vọng đất đai tại Trung hoa. Joffe chứng minh một xã hội phong kiến
như Trung hoa không thể là một vùng đất tốt cho chủ nghĩa cộng sản.
Những điều Joffe nói có lẽ phản ảnh đúng ý kiến của Lênin và Trotsky
đang cầm quyền lúc đó, chứ không phải chủ trương của Stalin sau này.
Joffe nhấn mạnh trong công cuộc chống lại ngoại bang, Trung hoa có thể
trông cậy vào sự giúp đỡ của Nga sô.
Tôn Dật Tiên cẩn thận yêu cầu Joffe viết giấy xác nhận những nguyên tắc
mà chính quyền cộng sản Nga sô đã công bố khi mới thành lập chế độ cộng
sản, như từ bỏ các nhượng địa Trung hoa, và xóa bỏ những hòa ước giữa
Nga hoàng và triều đình Mãn Thanh. Các điều này đã được công bố trong
bản thông cáo chung bằng Anh ngữ khi "đồng chí" Joffe rời Thượng Hải đi
Tokyo ngày 26-1-1923. Bản thông cáo không tiết lộ những hứa hẹn của
Nga sô giúp đỡ Tôn Dật Tiên và Quốc dân đảng về tài chánh trong mưu đồ
tranh quyền làm chủ Trung hoa. Về phần Tôn Dật Tiên, trước hết ông phải
chứng tỏ khí thế của mình bằng cách kiểm soát được miền nam Trung hoa,
và cũng để tỏ thiện chí, Tôn Dật Tiên phải cho đảng cộng sản gia nhập
Quốc dân đảng.
Rồi vận may của Tôn Dật Tiên cũng trở lại. Tôn Dật Tiên tìm cách liên kết
được với hai sứ quân Vân Nam và Quảng Tây vốn là kẻ thù của sứ quân
Quảng Đông. Quân đội của hai sứ quân này cùng với số binh sĩ trung thành
với Tôn Dật Tiên đủ mạnh để bao vây và áp lực sứ quân Quảng Đông. Trần
Quýnh Minh cảm thấy ở thế yếu, nên quyết định rời bỏ chính trị, ôm tài sản