Nhà bác học đã viết hết hàng núi giấy. Ông mệt nhoài, nhưng ước muốn đạt
mục đích và niềm tin vào sự suy nghĩ đúng đắn của mình đã thắng.
Lơ-vê-ri-ê đã tính xong. Giờ đây, ông biết rõ cần phải tìm hành tinh lạ ở
đâu và vào lúc nào, ông còn tính được cả nó nặng hao nhiêu và cách xa mặt
đất bao nhiêu, quĩ đạo của nó dài bao nhiêu và bao nhiêu thời gian để đi hết
một vòng xung quanh mặt trời. Ông đã tính ra là một năm thì chẳng mùi mẽ
gì. Phải mất một trăm sáu mươi lăm năm hành tinh này mới đi trọn một vòng
xung quanh mặt trời. Nhà bác học biết tất cả những cái đó chính xác y như
chính mắt ông nhìn thấy. Mà thực ra thì ông không hề ra khỏi bốn bức tường
của căn phòng ông.
Khi Lơ-ve-ri-ê tính xong, ông liền gởi kết luận của mình đến đài quan
trắc, ở đấy các nhà thiên văn hằng ngày đang theo dõi đường đi của các ngôi
sao.
Người ta quay ống kính vào đúng nơi mà Lơ-ve-ri-ê đã chỉ định trên bầu
trời, và vào đúng thời gian đã định người ta nhìn thấy một điểm sáng mới. Đó
chính là hành tinh mà Lơ-ve-ri-ê đã tính được.
Thế là từ bây giờ người ta biết được xung quanh mặt trời không phải chỉ
có bảy mà có tám hành tinh đang di chuyển.
Các nhà bác học gọi hành tinh thứ tám này là sao Hải Vương.
Nhà bác học người Anh là Péc-xi-van Lô-en cũng lại tính thêm được một
hành tinh mới, hành tinh thứ chín, còn ở xa mặt trời hơn cả sao Hải Vương.
Có điều là mãi nhiều năm sau các nhà thiên văn mới tìm ra hành tinh đó trên
bầu trời.
Người ta gọi hành tinh mới này là sao Diêm Vương. Sao Diêm Vương
phải mất gần hai trăm năm mươi năm mới quay hết vòng xung quanh mặt
trời.
Có thể là sau sao Diêm Vương còn có một hành tinh nữa, hành tinh thứ
mười cũng nên? Ai mà biết được? Chắc chắn rằng vinh dự khám phá ra hành
tinh ấy sẽ thuộc về một người nào đó trong các bạn đây...