Đó là các số 6, 9, 12, 15, 18, 21... Nhưng tất cả các số chẵn 6, 12, 18... ta
đã gạch từ trước rồi. Vậy thì, bây giờ trong chuỗi số còn lại những số nào?
Còn lại:
2, 3, 5, 7, 11, 13, 17, 19, 23, 25, 29, 31, 35, 37, 41, 43, 47, 49, 53... Các
bạn hãy xem, có phải trên sàng ngày càng còn lại ít số hợp hơn trước không?
- Ta lại gạch tiếp tất cả những số nào chia hết cho năm, rồi chia hết cho
bảy… Cứ như thế các số hợp bị loại dần ra khỏi chuỗi số tự nhiên và trên
sàng chỉ còn lại các số nguyên tố, tức là những số chỉ chia hết cho chính nó
và cho đơn vị.
Ngày nay chúng tôi đã biết rất nhiều nguyên tố.
Đây là các số đầu tiên:
2, 3, 5, 7, 11, 13, 17, 19, 23, 29, 31, 37, 41, 43, 47, 53, 59, 61, 67, 71, 73,
79, 83, 89, 97.
Các bạn đã thấy các số này đều đứng xếp hàng ở mé bên trái đại lộ cả.
Xê-va bèn tuyên bố:
- Đơn giản quá nhỉ! Về nhà mình cũng sẽ xây một đại lộ như thế này và
sẽ viết cho kỳ hết những số nguyên tố...
- Đừng vội nào, - Số Bốn cắt ngang. - Viết hết tất cả các số nguyên tố
không phải chuyện giản đơn đâu. Số càng lớn thì càng khó xác định nó là số
nguyên hay số hợp. Giá như ta biết các số nguyên tố đứng tiếp nhau theo thứ
tự nào thì tuyệt biết mấy! Nhưng tiếc rằng cho đến nay chưa ai xác định được
thứ tự đó cả. Khi thì các số nguyên tố đứng sát cạnh nhau và lúc đó người ta
gọi chúng là những số nguyên tố kề nhau, khi thì giữa hai số nguyên tố gần
nhau nhất cũng là một khoảng rộng chứa đầy các số hợp. Người ta đã đi được
một đoạn đường dài theo đại lộ này, người ta đã biết rất nhiều số nguyên tố,
thế nhưng vẫn chưa biết hết!
- Biết đâu, sau đó không còn một số nguyên tố nào nữa thì sao? - Xê-va
phân vân.