đất, dường như đó không phải là một công việc nặng nhọc mà là một trò chơi
thú vị. Đúng thế thật! Lẽ nào lại không vui khi khôi phục lại được cả một thời
xa xưa của đất nước mình qua những di vật đã gỉ mục của tổ tiên vùi sâu
trong lòng đất hàng nghìn năm!
Chúng tôi dừng chân bên một cái hố và tò mò quan sát họ làm việc. Đúng
lúc ấy, một người Tí Hon đứng tuổi vừa bới được những vật nho nhỏ từ một
đống đất.
Ta-nhi-a reo lên:
- Ôi! Những đồ nữ trang xinh đẹp quá! Chủ nhân của chúng chắc hẳn là
một cô gái.
Người Tí Hon mỉm cười:
- Cô bé nói sao? Đồ nữ trang ư? Thời xưa ở Ai Cập người ta dùng những
vật này để diễn đạt lời nói đấy. Người ta gọi chúng là chữ tượng hình. Lúc
đầu chữ tượng hình rất phức tạp. Về sau người ta đã lược bớt đi cho đơn giản,
nhưng số chữ ngày càng tăng thêm. Chữ tượng hình cũng còn được dùng để
biểu diễn các số nữa.
- Chà! - Xê-va gãi gãi gáy, vẻ đăm chiêu. - Giá cô giáo cũng dùng chữ
tượng hình để cho điểm nhỉ! Mẹ sẽ chẳng tài nào đoán nổi bài vở mình bị
điểm xấu!
- Muốn thế thì chú bé phải sang Ai Cập mới được. - Người Tí Hon mỉm
cười.
- Hoặc sang Nhật Bản cũng được. - Một người Tí Hon khác đứng cạnh
nói. - Ở đấy người ta vẫn còn dùng chữ tượng hình.
Nói xong người Tí Hon ấy viết cho chúng tôi xem những chữ tượng hình
của người Nhật Bản, biểu diễn mười số đầu.