chốt lại. Phó Thìn đứng ở cổng trong, cạnh bụi chuối, ánh trăng nhạt thấp
thoáng nhưng người đi chơi về mà không trông thấy, mà có nhìn thấy chắc
cũng biết lão hay đứng như ma xó, chẳng phải rình mò gì. Nhưng phó Thìn
đã đếm từng người vào. Lão lẩn thẩn đếm chơi, mà cũng thử xem thừa
thiếu thế nào, ngộ có đứa phản chủ dắt đất đem cướp vào thì sao.
Người đã về cả, lão ra mó máy những cái then, cái chốt đã cài, đã nêm kỹ
chưa. Những tối thường ngày cũng làm thế, có vậy lão mới vào ngủ lại
được.
Diệc về sau cùng. Lão trông thấy bóng thường Diệc cởi trần, đi lênh khênh.
Diệc ở nhà ông phó đã lâu. Diệc mồ côi cha mẹ, Diệc đã đến ở làm nhà này
từ năm Diệc còn để chỏm, chưa nhấc nổi cái cày, chỉ xách nước và đi cắt cỏ
suốt ngày. Lão phó Thìn nổi cơn tò mò. Quái sao thằng Diệc lại đi sang
phía bếp, chúng nó ở bên nhà ngang cơ mà.
Bếp có một gian, gian bên đựng củi, thùng rơm và chạn bát. Bên trong, con
Khoèo ở. Nó không nói, không đi được. Để ở nhà trên không tiện cơm
nước và mọi thứ. Lão cho vẩy thêm một trái làm cái ổ cho con Khoèo.
Nghĩ đến con, lão phó Thìn khi nào cũng rầu rĩ trong lòng. Như là thói
quen đi rà rà trong nhà ra vườn ra luỹ rồi mới về chợp mắt lại được. Nhưng
ở đây không phải giấc ngủ mà là nỗi lo, là sự đăm chiêu cả đời. Vợ chồng
lão đông con, đủ nếp tẻ, đều đã nên người dẫu lấy vợ lấy chồng làng này
hay ở xa thì cũng cơ ngơi đày đủ cả. Chỉ còn một cái khốn khổ này. Sao mà
lại sinh ra cái quái, cái nợ thế. Không khi nào lão dám nghĩ hơn nữa.
Thằng Diệc kia đi vào trong bếp làm gì. Lão chỉ nghĩ thấy lạ thế thôi, chứ
lão không dám sinh nghi. Thằng đó hiền như đất, không phải đứa trộm cắp.
Mà trong bếp cũng chẳng của nả để lấy và lão cũng không mảy may ngờ nó