Nàng nhớ đến ngày đưa linh cữu mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng từ nhà
thương về đến tận mái nhà thân yêu đã đổ nát. Nàng đã chôn mẹ ở sau
vườn, dưới một tàn cây rợp bóng. Nàng muốn tàn cây kia sẽ che sương đỡ
nắng cho mồ mẹ.
Nàng muốn một ngày gần đây, nàng sẽ trở về làng cũ, xây dựng lại
mái nhà xưa, được gần gũi mãi mãi bên nấm mồ của người mẹ bạc phước.
Ngày đưa táng mẹ, nếu không nhờ người cô từ Sài Gòn về và giáo sư
Hoàng luôn luôn tận tình giúp đỡ, nàng đã không biết làm sao để cử hành
tang lễ với hai bàn tay trắng.
Điều buồn tủi nhất cho Lan là ngày ấy vắng mặt Quân, người mà nàng
đặt rất nhiều tin tưởng. Có lẽ chàng chưa hay tin, nhưng dầu sao nàng cũng
thấy buồn thầm. Điều an ủi nhất là, trên đường tiễn đưa linh cữu mẹ nàng,
có sự hiện diện đông đủ các đồng nghiệp của nàng, đông đủ các học sinh
ngây thơ của nàng và của giáo sư Hoàng.
Đến khi hạ quan, mỗi học sinh tiến tới ném xuống huyệt một cánh hoa
hoặc một nắm đất, Lệ và Phong quỳ khóc nức nở, còn nàng nhìn chiếc quan
tài từ từ bị lấp đất mà nước mắt chảy ròng ròng. Thế là hết! Từ đây vĩnh
biệt người mẹ hiền đã săn sóc, cưng yêu chị em nàng từ tấm bé.
Chiến tranh đã cướp đi của nàng một lẽ sống, đã gieo tang tóc đau khổ
cho những mái đầu xanh vô tội chưa vẩn đục bụi đời.
Sau ngày tang lễ, chị em nàng bơ vơ. Theo lời khuyên của giáo sư
Hoàng, nàng cùng hai em về đây nương tựa. Tuần lễ đầu trải qua buồn tẻ.
Ba chị em thường nhìn nhau ứa lệ. Rồi một tháng trôi qua, nhờ sự đối
đãi tử tế của Hoàng mà Lan vơi được phần nào sự đau buồn, Lệ và Phong
cũng lấy lại được bản tính hồn nhiên, vui vẻ của tuổi thơ...
Lan đang triền miên lần giở lại trang ký ức, bỗng nghe tiếng Lệ gọi
khẽ: