sau đấy bà ta đã chết ở nhà thương điên. Có người lại nói bà ta lành bệnh
và xuất viện.
Nghe xong câu chuyện của Tania, Misa và Nika lặng lẽ đi đi lại lại trong
khoảng đất kia rất lâu. Sau đó chiếc xe vận tải chạy tới, cồng kềnh và vụng
về rẽ vào bãi. Mọi người bắt đầu chất các hòm lên xe. Misa nói:
- Cậu đã biết Tania là ai rồi chứ, Nika?
- Dĩ nhiên.
- Epgrap sẽ lo liệu cho cô ấy. - Rồi sau một phút im lặng, ông nói thêm -
Trong lịch sử đã có mấy lần xảy ra chuyện như thế. Cái được dự tính một
cách lý tưởng và cao thượng đã bị vật hoá, trở nên thô thiển. Hy Lạp đã hoá
thành La Mã cũng như thế đó, sự khai hoá những Nga đã hoá thành cuộc
cách mạng Nga cũng như thế đó. Cậu cứ lấy một câu thơ của Blôc "chúng
ta, con đẻ của những năm kinh khủng ở nước Nga", cậu sẽ thấy ngay sự
khác biệt giữa các thời đại. Khi Blôc nói như thế, ta cần hiểu câu ấy theo
nghĩa bóng, theo lối ẩn dụ. Con đẻ ở đây không phải là con cái, mà là sản
phẩm tinh thần, là tầng lớp trí thức, còn chữ khủng khiếp không phải với
nghĩa đáng sợ, mà có tính chất tiên đoán ngày tận thế, đấy là hai chuyện
khác nhau. Bây giờ thì tất cả cái nghĩa bóng, ẩn dụ đã trở thành nghĩa đen
thực sự, con đẻ là con đẻ, khủng khiếp là đáng sợ, đấy, sự khác nhau là ở
đó.
5.
Năm năm hoặc mười năm sau, vào một buổi chiều mùa hè yên ả. Misa và
Nika lại ngồi với nhau, bên một cửa sổ mở rộng ở trên cao, nhìn xuống
thành phố Moskva bao la ở bên dưới.
Họ lần giở các tập văn của Zhivago mà Epgrap đã thu thập được. Họ đã đọc
đi đọc lại nhiều lần, đã thuộc lòng đến một nửa. Thỉnh thoảng họ ngừng
đọc để trao đổi vài nhận xét hoặc để suy tưởng. Đọc được một nửa thì trời
tối, khó phân biệt mặt chữ, họ phải thắp đèn cho sáng.
Ở bên dưới và xa xa, kinh thành Moskva, quê hương của tác giả, nhân
chứng của một nửa cuộc đời tác giả, họ thấy Moskva lúc này không chỉ là
nơi đã xảy ra các sự kiện kia, mà còn là nhân vật chính của thiên truyện dài,
mà tối nay, với cuốn sách trong tay, họ đang đọc tới đoạn kết.