Tự Nhiên, còn cách một con sông lớn, thì gặp trời tối, chưa kịp tiến quân.
Đến nửa đêm, bỗng nổi gió to, nhổ cây tung cát, quân Hùng Vương hỗn
loạn. Tiên Dung, Chử Đồng Tử cùng quần thần, bộ hạ, thành quách phút
chốc bay lên trời. Chỗ đất cũ sụt xuống thành cái chằm lớn. Ngày hôm
sau nhân dân nhìn không thấy nữa, cho là linh dị, liền lập miếu thờ,
thường xuyên cúng tế. Đặt tên cái chằm ấy là “Nhất Dạ Trạch”, bãi cát
ấy là “Tự Nhiên Châu” hay “Mạn Trù Châu”, cái chợ ấy là “Hà Thị”
(tr.166 - 168).
Trong truyện cổ tích, nếu tước đi yếu tố huyền thoại thì ta sẽ thấy
được cái lõi của lịch sử, của sự thật. Chuyện tình Tiên Dung - Đồng Tử
theo tôi, là câu chuyện tình hay nhất trong thư tịch cổ nước nhà, vì nó
mang được những nét rất tiến bộ. Chỉ một câu Kiều “Xăm xăm băng lối
vườn khuya một mình” ra đời sau đó hàng ngàn năm vẫn còn khiến
không ít người “đạo đức” nhăn mặt, khó chịu thì ở đây, nàng Tiên Dung
đã chủ động tìm đến người mình yêu, dù tin đó là “cơ duyên” do “trời
khiến”. Nàng dũng cảm đặt vấn đề trước, không phải bị ràng buộc bởi
quan niệm “trâu tìm cột, đời nào cột tìm trâu”. Tình yêu đôi lứa là một sự
tự nguyện, chứ không phải theo lễ giáo “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và
Tiên Dung cũng không cần “môn đăng hộ đối”! Riêng chi tiết, “Tiên
Dung vào trong màn cởi áo tắm rửa, dội nước làm cho cát dạt đi, lộ ra
thân hình Đồng Tử”, là một chi tiết gợi cảm rất hiện đại, và rất đắt giá
của... nghệ thuật thứ bảy!
Một thú vị nữa, trong truyện còn cho biết vợ chồng nàng đã ăn nên
làm ra, “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” và nhất là biết
bỏ vốn ra để... đi buôn! Những chi tiết này cùng với việc học đạo - đạo
Tiên, của vợ chồng nàng, chứng tỏ truyện này ra đời từ thuở bình minh
của người Việt cổ, lúc ấy đạo Phật và đạo Khổng chưa du nhập vào nước
ta.
Do buôn bán giỏi nên vợ chồng Tiên Dung trở nên giàu có. Điều
đáng nói là họ không bo bo làm giàu cho riêng mình, mà còn biết làm cho